Dựa vào núi để làm giàu

01:11, 22/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là kinh nghiệm của anh Nguyễn Hồng Sơn (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận - Tư Nghĩa) rút ra được trong quá trình phát triển kinh tế gia đình, từ khó khăn thiếu thốn trở thành người giàu có trong vùng.

TIN LIÊN QUAN

Anh Sơn cho biết, trước đây anh cũng như nhiều gia đình khác ở trong thôn, quanh năm sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bạc màu không chủ động nước tưới, nên năng suất cây trồng đạt thấp. Thế nên năm nào cũng thiếu hụt, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, lúc ốm đau không có tiền thuốc thang, bồi dưỡng; cuộc sống luôn đối mặt với khó khăn, vất vả, nghèo túng.

Nhưng những năm gần đây, nhờ có chính sách đổi mới về nông nghiệp, nông thôn nên cuộc sống của bà con ở đây ngày càng khá giả hơn. Không còn hộ đói, hộ nghèo giảm dần, kinh tế đại bộ phận nhân dân đi vào ổn định, nông dân tập trung làm ruộng, chăn nuôi, buôn bán để vươn lên thoát nghèo. "Riêng gia đình tôi xác định phải dựa vào núi để làm giàu, nên từ nhiều năm trước đã tính đến việc khai hoang đất trống đồi núi trọc sẵn có ở địa phương để trồng rừng, phát triển lâm nghiệp", anh Sơn tâm sự.

 

Vườn ươm giống keo lai của anh Nguyễn Hồng Sơn.
Vườn ươm giống keo lai của anh Nguyễn Hồng Sơn.


Lúc anh Sơn mới thành lập gia đình, ra ở riêng chỉ hai bàn tay trắng, cha mẹ giúp cho vài thùng lúa để sống tự lập. Do còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, anh loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm được hướng đi để thoát nghèo. May nhờ có Hội Nông dân xã tạo điều kiện để anh tham gia các lớp tập huấn về nông lâm nghiệp tại địa phương, bản thân anh còn cố gắng tham gia học đại học từ xa về quản trị kinh doanh, nên nhận ra được hướng làm kinh tế có nhiều triển vọng là trồng rừng.

Từ đó, tranh thủ những lúc nông nhàn, vợ chồng anh cứ cặm cụi lên vùng đèo Võng phát rẫy trồng rừng, bỏ qua nhiều lời khuyên bảo của nhiều người rằng: "Hãy tiến xuống đồng bằng, thành phố làm giàu chứ chọn hướng đi lên núi làm gì?”, nghe vậy anh cũng chỉ cười.

Bằng công sức lao động và sự miệt mài của hai vợ chồng, mùa khô thì phát rẫy đến mùa mưa trồng cây, cứ thế mỗi năm trồng thêm được khoảng 1ha rừng. Đến năm 2003, anh còn mua rừng của một số người dân trong vùng trồng theo Chương trình PAM nhượng lại. Nhờ đó, đến nay anh có được hơn 15ha rừng, qua khai thác lần đầu thu được hơn 500 triệu đồng, rồi lại tiếp tục trồng keo lai, đến nay được 3-4 năm tuổi. Anh dự định sẽ dưỡng rừng cây này cho đủ tiêu chuẩn được cấp chứng chỉ rừng SFC.

Sau thời kỳ ồ ạt trồng cây bạch đàn, nhiều địa phương trong tỉnh bắt đầu phát triển cây keo lai làm nguyên liệu xuất khẩu và được coi là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, nên cần nhiều cây giống. Nắm bắt được cơ hội này, anh Sơn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ làm hoa màu trên đất bạc màu kém hiệu quả sang làm vườn ươm keo lai để lấy cây giống trồng rừng. Lúc đầu làm giống bằng cách ươm hạt phục vụ cho gia đình và bán cho các hộ dân trong vùng. Đến năm 2010, anh chuyển sang làm giống keo lai giâm hom.

Để mở rộng vườn ươm, anh đã thuê 5.000m2 đất trồng cây mô mẹ lấy hom làm giống, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động. Hằng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 triệu cây giống. Không chỉ phục vụ cho nhân dân địa phương mà còn mở rộng hệ thống đại lý cây giống cung cấp cho các huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng...

Chỉ tính doanh thu từ làm cây giống, mỗi năm anh đã thu được từ 200 - 300 triệu đồng. Anh Sơn còn mơ ước xây dựng được vườn ươm cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, để cung cấp cây giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng.

Ngoài việc phát triển kinh tế lâm nghiệp, gia đình anh Sơn còn làm 2.500m2 lúa hai vụ/năm, trồng 3.000m2 cây mì cao sản và thâm canh 2.500m2 đất màu làm đậu phụng. Năm 2015, gia đình anh thu lợi được 450 triệu đồng; dự kiến năm 2016, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Sơn còn thu lợi khoảng 500 triệu đồng.


Với những nỗ lực của mình, anh Nguyễn Hồng Sơn đã được công nhận danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp tỉnh.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM

 

.