Ngành công nghiệp chế biến: Bứt phá mạnh mẽ

10:10, 05/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến của Quảng Ngãi đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, để tạo sự đột phá thì ngành công nghiệp chế biến cần có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

TIN LIÊN QUAN

Đóng góp lớn

Trong số những “ông lớn” trong ngành công nghiệp chế biến tỉnh nhà, ngoài Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn phải kể đến hai “đại gia” là Công ty CP Đường và Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi. Với Công ty CP Đường Quảng Ngãi, sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp đã tăng tốc phát triển vượt bậc. Sản phẩm làm ra chủ yếu là: Sữa, bánh kẹo, nước giải khát, đường... 

Ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, trong 5 năm (2011-2015), doanh thu của công ty tăng bình quân 23%/năm, riêng năm 2015 đạt 8.456 tỷ đồng, nộp ngân sách 813 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động.

Cần có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để DN chế biến phát triển. Trong ảnh:  Phương tiện chở dăm gỗ đang xuất hàng lên tàu tại cảng Dung Quất xuất khẩu ra nước ngoài.            ảnh: LÊ ĐỨC
Cần có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để DN chế biến phát triển. Trong ảnh: Phương tiện chở dăm gỗ đang xuất hàng lên tàu tại cảng Dung Quất xuất khẩu ra nước ngoài. ảnh: LÊ ĐỨC


Cũng dựa vào nông nghiệp để tạo nên tên tuổi trên thương trường bằng những sản phẩm công nghiệp chế biến, đến nay đóng góp của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cho nền kinh tế là rất đáng ghi nhận.

Hiện Công ty có gần 800 lao động làm việc tại 10 Nhà máy sản xuất và kinh doanh tinh bột sắn và nhà máy sản xuất cồn Ethanol. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu như: Tinh bột, cồn, các mặt hàng thương mại, chế tạo và sửa chữa... Địa bàn hoạt động kinh doanh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài, với 12 đơn vị thành viên. Doanh thu năm 2015 đạt trên 3.235 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 166,6 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt 80 triệu USD.

Ngoài hai doanh nghiệp về công nghiệp chế biến trên, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều DN chế biến khác cũng đang âm thầm đóng góp công sức để “tiếp sức” cho đầu tàu công nghiệp phát triển như công nghiệp chế biến gỗ, thủy sản, bao bì, dệt may...

Theo thống kê, trong năm 2015, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống đạt gần 6.000 tỷ đồng, chiếm 5,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Đối với công nghiệp chế biến lâm sản, giá trị sản xuất năm 2015 đạt gần 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,58% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Cần thay đổi tư duy

Có thể nói, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến vào cơ cấu chung của toàn ngành công nghiệp tỉnh ta trong thời gian qua là rất quan trọng. Tuy nhiên, để thực sự là một trong những đầu tàu kéo nền KT-XH của tỉnh phát triển bền vững, cần có thêm nhiều chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp.

Công nhân Công ty CP Bia Sài Gòn -Quảng Ngãi kiểm tra sản phẩm trước khi xuất ra thị trường.
Công nhân Công ty CP Bia Sài Gòn -Quảng Ngãi kiểm tra sản phẩm trước khi xuất ra thị trường.


Với Công ty CP Đường Quảng Ngãi, ngoài sản phẩm mía, Công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành... Mặc dù đang đi đúng hướng, nhưng ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, để DN tự tin phát triển, Nhà nước cần phải có những chỉ đạo quyết liệt để cấp huyện, xã thay đổi tư duy cũ hiện nay. “Hiện nay năng suất cây trồng nông nghiệp rất thấp, do chúng ta chưa áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nguyên nhân là ngành nông nghiệp vẫn đang sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Để DN chế biến sản phẩm nông nghiệp phát triển, UBND tỉnh cần chỉ đạo cấp huyện, xã đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa để dễ dàng áp dụng KHKT vào sản xuất. Một khi khoa học được đưa vào nông nghiệp, không chỉ nhà nông được lợi mà công ty cũng “thơm lây”, bởi giá trị mía đường, đậu nành cũng sẽ tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, kéo theo sản phẩm sau chế biến chất lượng hơn”, ông Đàng chia sẻ.

Đất nước đang hội nhập sâu rộng, việc tồn tại và cạnh tranh của DN trong nước với DN nước ngoài là rất lớn, thế nên nhiều DN cho rằng, họ rất cần những hỗ trợ từ cơ chế và chính sách để phát triển. Theo ông Nguyễn Nị - Chủ tịch Hiệp hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN được ban hành, điều DN cần là Nhà nước phải là sợi dây kết nối để DN liên kết, hợp sức phát triển. Đồng thời, tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình xúc tiến đầu tư cũng như các hội chợ để DN có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.