(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy hoạch, toàn huyện Sơn Tây có gần 29.000ha đất lâm nghiệp trên tổng diện tích đất tự nhiên trên 38.220ha, trong đó rừng phòng hộ gần 17.000ha và rừng sản xuất trên 10.784ha, phân bố ở 9 xã trong huyện...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với định mức khoán 300.000 đồng/ha theo Quyết định 372 của UBND tỉnh, huyện Sơn Tây đã sử dụng nguồn vốn của Nghị quyết 30a và Chương trình bảo vệ và phát triển rừng để thực hiện khoán bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện.
Đối tượng được giao nhận khoán là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, trong đó đặc biệt ưu tiên cho hộ nghèo. Người nhận khoán được thanh toán đầy đủ tiền nhân công của hạng mục bảo vệ rừng theo hợp đồng và những chính sách ưu đãi khác theo quy định của Nhà nước.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ở huyện Sơn Tây. |
Bằng cách này, từ năm 2011 đến nay, huyện Sơn Tây đã khoán rừng phòng hộ cho người nhận khoán để bảo vệ và phát triển rừng được trên 53.000ha, trong đó Nghị quyết 30a khoán được gần 40.000ha cho 1.403 hộ và 12 nhóm tham gia nhận khoán; chương trình bảo vệ và phát triển rừng trên 13.577ha, có 727 hộ và 20 thôn tham gia nhận khoán; với tổng kinh phí đầu tư của 2 chương trình tính đến năm 2015 gần 10,4 tỷ đồng...
Từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Sơn Tây đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên họp dân để tuyên truyền Luật Quản lý và bảo vệ rừng, đóng các bảng biển báo, xây dựng quy ước, tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét... nên phần lớn các vụ vi phạm về rừng đều được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Nhờ vậy, độ che phủ rừng ở Sơn Tây đã liên tục tăng lên, năm 2011 đạt 54,53% đến năm 2015 đã tăng lên tới 57,69%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Tây vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Tây, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 185 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; trong đó có 164 vụ phá rừng trái pháp luật (thiệt hại gần 34ha) và 21 vụ vận chuyển mua bán gỗ trái phép (tịch thu 45,646m3 gỗ), nhưng đến nay mới chỉ xử lý được 68 vụ, thu nộp vào ngân sách gần 1,4 tỷ đồng.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Tây cho biết, trong 2 năm 2014 và 2015 đã xảy ra 23 vụ phá rừng phòng hộ và 30 vụ lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Ban quản lý đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây chuyển hồ sơ 8 vụ phá rừng phòng hộ sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Tây xử lý, nhưng chưa có vụ nào có kết quả. Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi phá rừng, với tổng số tiền là 114,3 triệu đồng, nhưng cho đến nay các đối tượng đều chưa chấp hành quyết định xử phạt...
Qua đó cho thấy, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng là khá phổ biến ở huyện Sơn Tây trong thời gian qua, nhưng việc xử lý các vi phạm huyện Sơn Tây còn thiếu kiên quyết. Vì vậy, thời gian tới huyện Sơn Tây cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi vi phạm.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM