(Báo Quảng Ngãi)- Theo số liệu thống kê và kiểm kê rừng, Quảng Ngãi có tổng diện tích tự nhiên gần 515.250ha, với độ che phủ rừng 51,06%. Thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, sở ngành, đơn vị hữu quan thực hiện. Tuy nhiên, thực tế công tác bảo vệ rừng vẫn còn nhiều hạn chế.
Kể từ khi triển khai thực hiện Luật BV&PTR năm 2004 đến nay, tỉnh ta đã kiện toàn, củng cố tổ chức bảo vệ rừng, PCCCR từ tỉnh đến cơ sở. Lực lượng PCCCR ở cơ sở cũng không ngừng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 779 tổ, đội/8.273 người và đã ký hợp đồng bảo vệ rừng 6 tháng mùa khô với 123 người/123 xã trọng điểm cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm thu giữ gỗ lậu vận chuyển trái phép. |
Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã được trang bị 199 phương tiện máy móc, thiết bị các loại, gồm 4 xe ô tô bán tải chở người và thiết bị chữa cháy, 16 xe mô tô tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, PCCCR, 15 máy bơm chuyên dùng có lưu lượng từ 600-950 lít/phút, 29 loa phóng thanh cầm tay, 15 máy định vị GPS, 997 dụng cụ chữa cháy thô sơ như bàn đập lửa, rựa, bình bơm nước chữa cháy đeo vai. Ngoài ra, xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 1 trạm dự báo chữa cháy rừng, 96 bảng cấp dự báo cháy rừng, mua sắm 1.196 máy móc, thiết bị, dụng cụ chữa cháy các loại.
Hằng năm, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và diễn tập PCCCR trên địa bàn các huyện. Qua đó đã giúp cho các cấp chính quyền địa phương và các chủ rừng nâng cao nhận thức, kinh nghiệm trong công tác chữa cháy rừng, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và chủ rừng xây dựng phương án PCCCR để triển khai thực hiện.
Tuy vậy, số vụ cháy rừng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, như từ năm 2005 - 2010 đã xảy ra 46 vụ cháy rừng/172,73ha và từ năm 2011- 2015 đã xảy ra 75 vụ/209,78ha. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân đốt nương làm rẫy, đốt ruộng ven rừng và xử lý thực bì sau khai thác do bất cẩn để cháy lan, gây cháy rừng.
Các hành vi vi phạm Luật BV&PTR còn diễn ra nhiều, trong 10 năm qua (2005 - 2015) đã phát hiện 6.332 vụ vi phạm, gây thiệt hại hơn 658ha rừng, lực lượng chức năng đã tịch thu trên 3.770m3 gỗ các loại, thu nộp vào ngân sách 26,3 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là vi phạm trên các lĩnh vực như: Phá rừng 681 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 1.359 vụ; vi phạm quy định về khai thác gỗ 68 vụ; vi phạm quy định về chế biến gỗ 17 vụ...
Tình trạng cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, cất giữ, vận chuyển gỗ trái pháp luật xảy ra nhiều một phần là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. Khi xảy ra cháy rừng, mặc dù đã huy động rất nhiều người tham gia chữa cháy song hiệu quả chữa cháy rừng đạt thấp và còn lúng túng, bị động khi có cháy lớn.
Nhiều vụ cháy rừng xảy ra không xác định được đối tượng gây ra, nên việc răn đe, giáo dục chưa cao. Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ” trong công tác chữa cháy rừng đã phát huy được hiệu quả, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Mặt khác, trong những năm gần đây, hệ thống đường giao thông được mở rộng, nhất là các huyện miền núi, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa. Nhưng đây cũng là điều kiện cho các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép hoạt động mạnh.
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản như vận chuyển vào ban đêm, cất giấu, sẵn sàng cản trở lực lượng chức năng, trong khi đó việc tổ chức, nắm bắt thông tin về khai thác, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản tại các địa phương còn hạn chế, nên rất khó để phát hiện và xử lý vi phạm.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM