(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định, việc trồng bù diện tích rừng mà các chủ đầu tư thủy điện đã lấy để triển khai dự án (DA) phải thực hiện song song với việc xây dựng công trình thủy điện. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 121ha rừng phải trồng bù, kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng của 5 DA thủy điện trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có một DA hoàn thành.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thủy điện chưa xong, rừng đã lên xanh
Thủy điện Sơn Trà 1 thuộc địa bàn hai xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) và Sơn Lập (Sơn Tây) chính thức triển khai thi công giữa năm 2015. Đây chính là thời điểm chủ đầu tư DA thủy điện này nộp vào Quỹ Bảo vệ rừng của tỉnh gần 850 triệu đồng để trồng bù 19,5ha rừng phòng hộ. Nhiệm vụ trồng bù diện tích rừng này được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham (Sở NN&PTNT).
Khu vực rừng trồng bù của thủy điện Sơn Trà 1. |
Hiện nay, gần 20ha lim trồng bù rừng ở DA thủy điện Sơn Trà 1 đã lên xanh và cao hơn 1m. Anh Hòa - Tổ trưởng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham cho biết: "Đất ở đây tốt, thích hợp với cây lim. Chẳng bao lâu nữa, cánh rừng lim sẽ cao lớn, bù đắp một phần khoảng xanh mà thủy điện đã lấy mất".
Vụ trồng rừng năm 2016 kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11.2016. Quảng Ngãi tiếp tục triển khai trồng rừng thay thế của các thủy điện Đắk Re (19,5ha), kinh phí gần 950 triệu đồng; thủy điện Đắk Ba (9,5ha), kinh phí hơn 400 triệu đồng; Ban Quản lý các dự án công trình thủy điện miền Trung xây dựng công trình đường dây 220KV (hơn 3,3ha), kinh phí 160 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục trồng bù rừng thủy điện Hà Nang; trồng bù 13ha thủy điện Nước Trong (Sơn Hà), kinh phí hơn 400 triệu đồng từ ngân sách cũng sẽ được Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham trồng trong năm 2016. |
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2018, công trình thủy điện Sơn Trà 1 mới hoàn thành, nhưng từ cuối năm 2015 việc trồng bù rừng đã cơ bản hoàn thành. Ông Trần Ngọc Thương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Đây là DA thủy điện đầu tiên trên địa bàn chủ đầu tư tích cực trong nộp tiền và công tác trồng bù được triển khai kịp thời. Chủ các DA thủy điện khác nên học tập ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện Sơn Trà 1, nếu việc triển khai DA lấy đi phần diện tích rừng phòng hộ".
Tiến độ trồng rừng thay thế vẫn còn chậm
Theo kế hoạch, vụ trồng rừng năm 2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng sẽ hoàn tất việc trồng rừng thay thế cho DA thủy điện Hà Nang. Tuy nhiên, đến nay, Ban Quản lý mới trồng được 28ha. Dù vậy, số diện tích này chưa được xác nhận nghiệm thu, do có nhiều vướng mắc, tỷ lệ cây sống không đảm bảo, nên không giải ngân được.
Ông Thới Văn Hiền - cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng cho biết: "Hiện tại Ban Quản lý còn nợ gần 500 triệu đồng kinh phí bỏ ra trồng rừng, nhưng chưa được nghiệm thu, giải ngân, chi trả nợ. Việc trồng bù rừng thủy điện ở Trà Bồng gặp rất nhiều khó khăn, cần tỉnh và huyện quan tâm tháo gỡ". Khó khăn lớn nhất là, quy hoạch thiết kế trồng rừng thay thế liên tục bị thay đổi so với hiện trạng, do bị lấn chiếm trái phép.
Năm 2015, tỉnh có kế hoạch trồng bù diện tích rừng của 3 DA thủy điện, gồm Sơn Trà 1, Hà Nang và Đắk Ba (Sơn Tây), với tổng diện tích khoảng 100ha. Tuy nhiên, chỉ mới có thủy điện Sơn Trà 1 là hoàn thành. Còn lại thủy điện Hà Nang, thủy điện Đắk Ba tiếp tục chuyển sang năm 2016.
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Ngọc Thương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: "Bằng mọi giá, năm 2016 phải trồng xong hơn 100ha rừng bù thủy điện còn lại, vì kinh phí trồng rừng đã được chủ đầu tư nộp về Quỹ Bảo vệ rừng. Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trồng rừng quyết tâm hoàn tất thủ tục, tổ chức thi công ngay trong tháng 9 này".
Bài, ảnh: THANH NHỊ