Trồng rừng giữa mùa khô

06:07, 16/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thường thì đến mùa mưa mới là mùa trồng rừng. Thế nhưng có những nông dân lại chọn mùa khô nắng cháy để trồng rừng. Cách làm tưởng chừng như trái ngược này lại mang đến hiệu quả bất ngờ…

TIN LIÊN QUAN

Những cách làm hay

Trong khi những nông dân khác sau khi khai thác keo xong phải đợi đến mùa mưa mới tiến hành trồng thì ông Nguyễn Văn Tại, thôn Hội Đức, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) lại làm ngược lại. Ông không bỏ đất trống đến mùa mưa mới trồng rừng mà mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê máy đào, máy xúc móc hết các gốc cây vừa mới khai thác và tiến hành xới cho đất tơi xốp để trồng keo.

Dù trồng vào thời điểm nắng nóng nhưng keo của ông Tại đã phát triển xanh tốt.
Dù trồng vào thời điểm nắng nóng nhưng keo của ông Tại đã phát triển xanh tốt.


Tuy nhiên, để cây keo sống và phát triển được trong mùa khô thì cần phải có những cách làm sáng tạo. Vì vậy để trồng được 17ha rừng ở trên núi cao, bên cạnh việc thuê máy đào, máy xúc đào gốc, xới đất thì ông Tại còn thuê máy đào hố sẵn. Cứ cách 2m đào một hố, độ sâu khoảng 60cm. Đặc biệt, trước khi trồng keo, ông Tại nhúng nước cho thật ướt bịch cây giống. Bởi theo ông, nếu nhúng kỹ, khi trồng xuống, lượng nước chứa trong bịch sẽ giữ cho cây có nguồn nước lâu hơn, giúp cây nhanh bén rễ. Ngoài ra, nhờ đào hố sâu theo kiểu ruộng bậc thang nên khi có mưa giông là nước sẽ chảy xuống các gốc cây. Kèm theo đó là chất mùn cũng sẽ được tích tụ lại mà không bị chảy trôi. Từ đó cây giữ được độ ẩm lâu hơn và phát triển nhanh hơn.

 Ông Tại chia sẻ: “Thấy tôi trồng rừng giữa lúc trời đang nắng nóng ai cũng bảo tôi bị khùng. Họ bảo, khi không tiền của không để trong nhà lại đem vứt ra rừng. Tuy nhiên tôi tin tưởng vào cách làm của mình sẽ đem lại hiệu quả nên quyết tâm làm”.

Không chỉ có cách làm sáng tạo, mà nhìn cách trồng rừng của ông Tại rất chuyên nghiệp. Để có đường chở keo giống khi trồng cũng như sau này khai thác, ông Tại thuê xe ủi mở đường đi trong rẫy keo của gia đình. Tuy nhiên, để chống xói mòn, trôi đường khi mùa mưa đến, ông làm mương thoát nước hai bên. Mặt khác, xung quanh bìa rẫy keo rộng 17ha của mình, ông cho đào đường thông hào rộng 2m, sâu hơn 1m để phòng chống cháy rừng. “Đất rừng của mình nhiều, bao nhiêu tiền của, công sức trong đó, nếu không có biện pháp phòng chống cháy rừng, lỡ như rừng bên cạnh bị cháy mà cháy lan sang mình thì khổ”, ông Tại lý giải.

Không có nhiều vốn và nhiều đất rừng như ông Tại, nhưng ông Nguyễn Tài, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) cũng trồng rừng giữa mùa khô theo cách thủ công của nhà nông. Ông Tài cho biết: “Để giữ ẩm cho cây lúc mới trồng, tôi thường lấy đá chèn xung quanh gốc cây. Sau khi trồng cây xuống được vài ba ngày, mình chịu khó bỏ ra mấy buổi để gánh nước tưới cho cây. Tuy có vất vả nhưng làm nông thì phải chịu khó chứ trồng xong rồi bỏ đó thì làm sao mà có thu. Mặc dù vậy nhưng vì keo là loại cây trồng ít cần nước nên mỗi cây chỉ cần tưới một ca là đủ. Do đó, công bỏ ra cũng không nhiều mấy, nhưng hiệu quả lại cao.

Hạn chế được bệnh phấn trắng, năng suất cao

Dưới cái nắng bỏng rát của những ngày hè, nhiều địa phương đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp chống hạn cho cây trồng thì chỉ cần một cơn mưa giông là rừng keo của ông Tài và ông Tại đã xanh mướt. Nhìn những rừng keo bạt ngàn vươn lên khỏe khoắn, ít ai nghĩ rằng đó là những rừng keo được trồng vào thời điểm nắng nóng của mùa hè. “Mới chỉ trồng được 2 tháng nhưng keo của tôi đã xinh hơn keo của họ trồng vào mùa mưa năm trước. Thấy rẫy keo của tôi ai cũng thích. Giờ họ không còn nói tôi khùng nữa rồi”, ông Tại nói.

Theo ông Tại, mặc dù keo của ông trồng vào mùa khô nhưng tỷ lệ sống tới 95%, năng suất luôn đạt cao hơn so với trồng rừng vào mùa mưa. Bởi trồng rừng vào mùa mưa thì cây dễ sống nhưng lại gặp lạnh làm cho khó phát triển. Hơn nữa trồng keo vào mùa mưa sẽ bị bệnh phấn trắng. Đây là loại bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của cây trồng. Một khi đã mắc bệnh thì cây sẽ mất sức, cứ đứng mãi mà không lớn. Do đó, với “cách làm ngược”, trung bình 1ha keo của ông Tại luôn đạt từ 110 – 120 tấn, cao hơn 30 – 40 tấn/ha so với những nông dân trồng rừng khác.

Ngoài ra, để lấy lại hơn 200 triệu đồng đã bỏ ra để đầu tư vào trồng rừng, ông Tại tiến hành trồng xen canh cây mì vào keo. Theo tính toán của ông Tại, với 17 ha đất trồng keo, ông trồng xen mì sẽ thu trên 250 tấn mì. Với giá bán 1.000 đồng/kg là ông cũng đã thu lãi trên 200 triệu đồng.

Mặc dù có những cách đầu tư khác nhau, nhưng cả ông Tài và ông Tại đều áp dụng phương pháp trồng thưa. Nghĩa là mỗi cây phải cách nhau 2m. Vì chỉ có trồng thưa thì cây mới phát triển đều, tránh tình trạng cây quá to, còn cây lại còi cọc. Mặt khác, trồng thưa sẽ giúp cho việc tỉa cành, bón phân cũng dễ dàng hơn. Ông Tài cho biết: “Với 1ha đất, tôi chỉ trồng khoảng 3.200 cây là đủ. Trong khi đó, cũng với diện tích trên, những người bên cạnh lại trồng tới 5.500 – 5.700 cây. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, keo tôi bán được 140 triệu đồng, còn keo của người khác thì chỉ bán được có gần 80 triệu đồng”.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.