(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đóng tàu vỏ thép hiện đại, công suất lớn để đánh bắt dài ngày trên biển. Tuy nhiên, ngư dân có tàu vỏ thép đang gặp khó trong việc tìm nơi neo trú và sửa chữa, bảo dưỡng tàu vì hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có chỗ neo trú phù hợp và cơ sở bảo trì, bảo dưỡng tàu vỏ thép.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đã đưa vào sử dụng tàu vỏ thép QNg 95888 TS gần 1 năm, nhưng ngư dân Võ Văn Tình, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) chưa một lần đưa tàu về Quảng Ngãi neo trú. Mà chủ yếu chỉ neo trú tại cảng cá Đà Nẵng. Lý giải nguyên nhân, ngư dân Tình cho biết: “Biết rằng neo trú tàu tại Quảng Ngãi thuận tiện hơn, vì gần nhà, nhưng các cảng neo trú hiện tại đều không đáp ứng được yêu cầu. Tàu vỏ thép có chiều dài và tải trọng lớn hơn tàu vỏ gỗ, trong khi luồng lạch ra vào tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh hẹp, mực nước không đảm bảo, nên bất đắc dĩ tôi phải neo trú ở Đà Nẵng và chấp nhận tốn thêm chi phí đi lại giữa hai nơi”.
Các chủ tàu vỏ thép hiện đang loay hoay tìm nơi neo trú và bảo dưỡng tàu thuyền. |
Cùng nỗi lo, ngư dân Vũ Văn Hội, chủ tàu vỏ thép QNg 96699 TS ở huyện Lý Sơn cũng đang loay hoay trong tìm nơi neo đậu cho tàu thuyền, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Kiến nghị về vấn đề này, ngư dân Hội nói: “Tôi là ngư dân Quảng Ngãi, nhưng lại cứ phải ra Quảng Nam, hoặc Đà Nẵng để neo trú tàu. Còn tại Quảng Ngãi, tàu tôi không thể neo trú được ở khu vực cảng cá Lý Sơn, vì mực nước tại đây không phù hợp với tải trọng của tàu vỏ thép. Còn tại cảng Sa Kỳ, do độ cao của tàu vỏ thép lớn hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ, nên tôi rất mong các ngành chức năng rà soát, nâng độ cao của đường dây điện cao thế chạy ngang qua khu vực cảng cá, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng”.
Nhận định về những khó khăn trong tìm kiếm nơi neo trú tàu thuyền của các chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng Phòng Kế hoạch và quản lý công trình, Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá Quảng Ngãi cho rằng, trong 3 cảng neo trú tàu thuyền và 2 cảng cá do đơn vị quản lý, thì chưa có cảng nào có khả năng đáp ứng được yêu cầu neo trú của các tàu vỏ thép. Bởi vậy, sau khi làm lễ bàn giao tàu vỏ thép tại các cảng, Ban quản lý chưa thấy tàu vỏ thép nào quay trở lại để neo trú.
Không chỉ lúng túng trong tìm nơi neo trú tàu thuyền, ngư dân đóng tàu vỏ thép còn gặp khó khăn trong tìm nơi sửa chữa, bảo trì cho tàu vỏ thép. Bởi hiện nay, hầu hết các xưởng sửa chữa, đóng mới tàu trên địa bàn tỉnh đều chỉ thành thạo đối với tàu vỏ gỗ. Ngư dân Phạm Trí Thức, ngụ ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), người vừa khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh 5 tháng để đóng tàu vỏ thép trăn trở: “Lo nhất là khi tàu có sự cố kỹ thuật, hoặc cần bảo dưỡng định kỳ, mà Quảng Ngãi thì vẫn chưa có cơ sở nào sửa chữa, bảo dưỡng tàu vỏ thép. Đưa tàu vào TP.Hồ Chí Minh thì quá xa, còn thuê người từ trong ấy về đây sửa chữa, thì cũng tốn kém không ít”.
Mạnh dạn đóng tàu vỏ thép công suất lớn để bám biển, vươn khơi, nhưng những ngư dân tiên phong của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều lo âu, trăn trở. Mong rằng các ngành chức năng sẽ sớm tìm ra giải pháp gỡ khó cho ngư dân, nhằm khuyến khích họ tự tin đóng mới, nhân rộng tàu vỏ thép trong tương lai.
Bài, ảnh: Ý THU