Thiết bị hỗ trợ khai thác thủy sản: Tăng hiệu quả, giảm rủi ro

10:09, 08/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ gia tăng hiệu quả kinh tế mà việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ còn giúp ngư dân chủ động nắm bắt thông tin, giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ...

TIN LIÊN QUAN

“Trúng” cá nhờ máy dò ngang

Từ khi sử dụng máy dò ngang, chưa có phiên biển nào ngư dân Võ Văn Danh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) rơi vào cảnh lỗ tổn. Tất cả theo ông Danh là “nhờ máy dò ngang”. Bởi, với tầm dò 1.000m cùng 8 chế độ vận hành, máy dò ngang không chỉ xác định được vị trí, hướng di chuyển, tốc độ và mức độ tập trung của đàn cá; mà còn quan sát rõ nét hình ảnh địa hình đáy biển. “Tính năng này vừa giúp ngư dân quyết định thời điểm quăng lưới, nhằm thu được tối đa lượng cá, vừa tránh những rủi ro và sự cố gây tổn hại đến ngư lưới cụ”, ông Danh cho biết.  

Sử dụng máy dò ngang giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế, sản lượng thủy hải sản tăng 2,5-3 lần.
Sử dụng máy dò ngang giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế, sản lượng thủy hải sản tăng 2,5-3 lần.


Còn ngư dân Nguyễn Anh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cũng xem máy dò ngang như "vật bất ly thân" trong mỗi chuyến ra khơi. Năm 2010, ông Anh là ngư dân đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn, để lắp đặt thử nghiệm máy dò ngang. Tuy nhiên, hơn một năm đầu sử dụng máy dò ngang dòng mới JMC-CSL 1000, ông Anh còn dùng thêm các thiết bị để so sánh hiệu quả, nhất là khả năng dò tìm luồng cá. Kết quả, máy dò ngang JMC-CSL 1000 xác định chính xác vị trí và hướng di chuyển của cá, giúp ông Anh nhiều lần trúng “lộc” biển.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, sau 5 năm triển khai, máy dò ngang thể hiện rõ tính ưu việt, giúp sản lượng khai thác thủy, hải sản của ngư dân tăng 2,5-3 lần. Vì vậy, từ 15 mô hình ứng dụng máy dò ngang do Trung tâm triển khai vào năm 2010, thì đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 350 chiếc tàu được ngư dân trang bị loại thiết bị hiện đại này.
 

“Cùng với chương trình “Hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ” của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng mô hình để ngư dân trong tỉnh nắm bắt, học tập kinh nghiệm sử dụng rađa trong khai thác thủy sản”.
Phan Thị Thu Hà - Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh.

Mong được chia sẻ

Nối tiếp thành công của máy dò ngang, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cũng vừa lắp đặt thử nghiệm Ra đa Koden hàng hải 48 hải lý cho tàu của ngư dân Phạm Dũng, xã An Vĩnh (Lý Sơn). Nếu như máy dò ngang phát huy hiệu quả kinh tế, thì rađa hàng hải gia tăng tính an toàn cho ngư dân.

Với tính năng phát hiện, nhận dạng mục tiêu xung quanh (cố định hoặc di động) trong mọi điều kiện thời tiết, ngư dân sẽ điều chỉnh phù hợp hướng đi của tàu. Đặc biệt, rađa có thể phát hiện tàu từ khoảng cách xa, nên ngư dân sẽ có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Bà Phan Thị Thu Hà - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật ngư nghiệp, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết, rađa hàng hải là thiết bị cần thiết cho tàu khai thác và đánh bắt thủy sản xa bờ. Tuy nhiên, với giá thành lên đến trên 100 triệu đồng/rađa, cộng với việc ngư dân chưa tin tưởng tính năng và hiệu quả của thiết bị này, nên từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chỉ có một rađa được lắp đặt.

Đối với máy dò ngang, dù tiện ích, nhưng với chi phí dao động từ 260 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì không phải ngư dân nào cũng có điều kiện để trang bị cho tàu. Ngay như ngư dân Võ Văn Danh, nếu không được Trung  tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 50% (130 triệu đồng) thì ông cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư máy dò ngang. Bởi, ngư dân lo lắng thiết bị và ngư lưới cụ sẽ bị hỏng hoặc mất khi gặp sự cố rủi ro.

“Ngư dân chúng tôi mong Nhà nước có biện pháp bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển. Còn việc trang bị máy móc, ngư dân sẽ tự đầu tư, nếu thiết bị hiệu quả và cần thiết cho hoạt động khai thác thủy sản”, ông Danh nói. Đó cũng là mong mỏi của rất nhiều ngư dân trong tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.