Phát triển nông nghiệp vùng ven biển: Cần được định hướng và trợ lực

10:09, 01/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thiếu nước tưới, thời tiết bất lợi, đất cát lại khá “kén” cây trồng... là những nguyên nhân chính khiến người dân ven biển khó phát triển các loại cây nông nghiệp tại địa phương. Chuyển hướng từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản thì người dân lại đối mặt nỗi lo dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, người dân ven biển đang rất cần những định hướng chiến lược để phát triển kinh tế gia đình bền vững.

TIN LIÊN QUAN

Loay hoay lựa chọn cây trồng, vật nuôi

Trong 6 tháng đầu năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn tỉnh giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có hơn 60ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Hiệu quả nuôi trồng giảm sút, tình hình phát triển cây nông nghiệp tại khu vực ven biển cũng không khá hơn, khi hầu hết diện tích đất nông nghiệp ven biển là đất cát... khiến việc phát triển nông nghiệp tại các địa phương này gặp khó.

Các loại dưa, cà tuy thích nghi được với đất cát nhưng thường mắc phải chứng bệnh héo xanh.
Các loại dưa, cà tuy thích nghi được với đất cát nhưng thường mắc phải chứng bệnh héo xanh.


Tại xã ven biển Phổ Vinh (Đức Phổ), từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi tôm của địa phương là 21ha, trong đó vùng cát 8ha và số diện tích còn lại ở ven sông Trường. Song, do tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên nên sản lượng thu hoạch chỉ ước đạt 17 tấn. Diện tích cây màu cả năm khoảng 203ha, nhưng do đặc thù đất cát ven biển, nên chủ yếu vẫn chỉ trồng cây mì và các loại cây ngắn ngày như đậu phụng, bắp.

Còn tại các xã ven biển của huyện Mộ Đức như Đức Minh, Đức Thạnh, Đức Phong, không “an phận” với cây mì có giá trị kinh tế thấp, vài năm trở lại đây, người dân đã chuyển hướng từ cây mì sang cà tím, dưa hấu và một số hoa màu khác. Việc chuyển đổi này đã mở ra cho nông dân hướng phát triển kinh tế mới, mang lại thu nhập cao hơn. Song, những rủi ro mang lại khi áp dụng cây trồng mới cũng xuất hiện.

Nông dân Võ Phúc, ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh cho biết: “Mặc dù cà tím mang lại năng suất cao, giá cả bán ra cũng khá, nhưng cứ một hàng cà cỡ 20 cây, thì có 3-4 cây bị chứng bệnh héo xanh. Mà bệnh này rất khó trị, nên chúng tôi cứ chấp nhận vậy thôi”.

Thậm chí, vì không lựa chọn được giống cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai vùng ven biển, nên nhiều hộ dân ven biển Đức Minh (Mộ Đức) chấp nhận phụ thuộc hoàn toàn vào “nước trời” để trồng lúa trên cát vào vụ đông. Đất nghèo dinh dưỡng lại không có nước tưới, nên tỷ lệ rủi ro, chi phí trồng lúa trên cát tăng lên gấp nhiều lần so với các địa phương khác. Có những năm, hàng trăm hécta lúa trên cát tại Đức Minh bị mất trắng, vì không có nước.

Khó cân bằng giữa sản xuất và môi trường

Trong khi nhiều địa phương khó khăn trong xác định cây trồng, vật nuôi phù hợp, thì xã Bình Hải (Bình Sơn) và huyện đảo Lý Sơn đã tìm được hướng phát triển nông nghiệp với việc lựa chọn cây hành, tỏi làm giống cây chủ lực. Thời điểm hiện tại, giá tỏi tại Lý Sơn lên đến 150 nghìn đồng/kg, giá hành tím cũng dao động từ 30 - 40 nghìn đồng/kg. Mang lại hiệu quả kinh tế cao, song việc phát triển hai loại cây này lại gặp phải trở ngại, vì thiếu cát.

Người trồng hành, tỏi ở Lý Sơn đang cần giải pháp bền vững để có thể giữ vững diện tích đất nông nghiệp.                                                        Ảnh: ý  thu
Người trồng hành, tỏi ở Lý Sơn đang cần giải pháp bền vững để có thể giữ vững diện tích đất nông nghiệp.


Theo tính toán của người dân, mỗi sào hành, tỏi cần từ 3-4m3 cát trắng. Với diện tích 300ha trồng hành, tỏi trên huyện đảo Lý Sơn, mỗi năm người dân phải cần gần 1 triệu mét khối cát trắng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu tiếp tục giữ vững diện tích hành, tỏi thì nguồn tài nguyên cát trắng khu vực ven bờ biển Lý Sơn sẽ có nguy cơ cạn kiệt.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Vừa đảm bảo sản xuất, vừa bảo vệ được tài nguyên môi trường ven biển là một vấn đề nan giải đối với Lý Sơn. Trước tình trạng này, địa phương đã từng phối hợp với các sở, ban ngành triển khai dự án trồng tỏi không cần thay cát mới, nhằm thay đổi cách làm truyền thống, nhưng đều thất bại”.

Cũng theo bà Hương, trong thời gian tới, UBND huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp giúp nông dân Lý Sơn trồng tỏi không cần thay cát, nhằm giữ vững được diện tích tỏi, hành của địa phương.

Bài, ảnh: Ý THU


 


.