Phấn đấu thoát nghèo bền vững

02:09, 29/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở huyện Trà Bồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào Cor thay đổi đáng kể.

TIN LIÊN QUAN

Bà Bạch Thị Hương (70 tuổi) ở tổ dân phố 5, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) là một trong những hộ nghèo được huyện Trà Bồng hỗ trợ bò lai, để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Từ 1 con bê ban đầu, sau 7 năm nuôi, bà Hương đã có được 4 con. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bà Hương có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Bà Hương, chia sẻ: "Mong ước có bò để nuôi, giờ đã thành hiện thực. Người nghèo chúng tôi mong có được nhiều chiếc cần câu như thế này". Cũng giống như bà Hương, chị Lê Kim Thanh, ở tổ dân phố 4, thị trấn Trà Xuân phát triển được kinh tế gia đình nhờ vào sự hỗ trợ bò giống.  Từ chỗ là hộ nghèo, thiếu ăn, đến nay chị Thanh đã thoát nghèo.

Chị Lê Thị Kim Thanh, thị trấn Trà Xuân, thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò lai sind.
Chị Lê Thị Kim Thanh, thị trấn Trà Xuân, thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò lai sind.


Còn đối với anh Võ Hữu Thanh, giấc mơ vươn lên thoát nghèo, làm giàu như xa tầm với của gia đình nếu không có được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh, để đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ từ năm 2009. Từ diện tích 2 sào với 50 trụ thanh long ban đầu, gia đình anh Thanh ở thôn Phú An, xã Trà Phú đã vay vốn mở rộng thêm 2 sào với 100 trụ thanh long.

Đến nay, 150 gốc thanh long của gia đình đã cho trái đều, với 8 đợt thu hoạch trên một năm, trừ hết chi phí mỗi năm lãi gần 50 triệu đồng.  Theo anh Thanh, cây thanh long ruột đỏ dễ trồng, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao, giá bán hiện nay trên thị trường khoảng từ 25 - 30 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ được người tiêu dùng ưa chuộng nên bán chạy, hiện sản phẩm không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết: “Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương, nên huyện đã cho chủ trương mở rộng diện tích trồng lên 11,2ha. Trong đó có 1,7 ha đã cho thu hoạch, còn lại 3,1 ha đang sinh trưởng tốt.

Sắp đến, Trà Bồng sẽ hỗ trợ người dân phát triển diện tích cây thanh long ruột đỏ, chăm sóc đúng quy trình để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời thành lập tổ hợp tác của những hộ dân tham gia trồng cây thanh long, sau đó xây dựng nhãn hiệu và kết nối với các siêu thị trong tỉnh tìm đầu ra tiêu thụ và ổn định giá cho người trồng, nhằm phát triển kinh tế địa phương”.

Trong 5 năm qua, nhờ trợ lực đáng kể từ các Chương trình 30a, 135 và các chương trình giảm nghèo khác đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân Trà Bồng. Đa số người dân ở các xã tiếp cận được với giống cây trồng, vật nuôi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nhiều cây trồng, vật nuôi đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Tập quán sản xuất lúa, bắp... lạc hậu dần được thay thế; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất chuyên canh tập trung, có hiệu quả sản xuất cao. Nhiều mô hình từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân như: Mô hình cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước; mô hình trồng bưởi da xanh; mô hình nuôi bò cải tiến; mô hình nuôi gà thả vườn; chăn nuôi heo sinh sản; nuôi cá nước ngọt thương phẩm...

Cùng với đó, huyện Trà Bồng cũng ưu tiên phát triển cây quế, đã xây dựng vùng chuyên canh cây quế tại xã Trà Thủy, hướng dẫn chuyển giao khoa học kĩ thuật, hỗ trợ giống quế ươm túi bầu đạt năng suất, sản lượng, giúp người dân cải thiện kinh tế. Phát triển cây gỗ nguyên liệu với 15.000 ha keo, giúp đồng bào Cor có điều kiện nâng cao thu nhập.

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông, lâm của huyện  tăng 9,15%. Cơ cấu  kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 32,6%, vượt kế hoạch được giao.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.