(Baoquangngai.vn)- Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo. Những năm qua, huyện Lý Sơn đã bước đầu khai thác được những lợi thế này. Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển "nóng" về du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng thì vấn đề gìn giữ môi trường, cảnh quan để phát triển bền vững đang là bài toán đặt ra đối với các nhà quản lý ở huyện Lý Sơn.
Kỳ 1: Nguy cơ phá vỡ quy hoạch
Từ khi hoà lưới điện quốc gia, ngành du lịch Lý Sơn được ví như nàng công chúa xinh đẹp được đánh thức, du khách đến với huyện đảo Lý Sơn tăng đột biến. Kéo theo đó, các dịch vụ du lịch cũng phát triển “nóng” để đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng xây dựng tự phát, không theo bất cứ quy hoạch nào, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, cảnh quang môi trường đang là nỗi lo hiện hữu.
|
“Nóng” chuyện xây dựng trái phép
Hiếm có khu vực nào tại Việt Nam mà chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành điểm đến “hot” như ở Lý Sơn. Từ khi điện lưới Quốc gia được kéo ra đảo, lượng khách du lịch đến Lý Sơn ngày một tăng cao; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội của hòn đảo tiền tiêu này.
Cùng với đó, hàng trăm công trình nhà dân, khách sạn, nhà hàng được xây mới hoặc nâng cấp sửa chữa đua nhau mọc lên. Từ một huyện đảo thanh bình, Lý Sơn bỗng trở thành một đại công trường. Nếu như năm 2014 chỉ có 1 khách sạn, 11 nhà nghỉ, với 95 phòng, thì đến năm 2016, Lý Sơn có 4 khách sạn, 31 nhà nghỉ, tổng cộng 440 phòng.
Sẽ không có gì phải đáng nói nếu việc xây dựng nằm trong quy hoạch tổng thể. Thực tế cho thấy, hầu hết các công trình từ nhà dân đến các công trình cao tầng đều xây dựng một cách tự phát, không theo bất cứ quy hoạch tổng thể nào, tạo nên một bức tranh thiếu hài hòa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, huyện có đã quy hoạch khu vực lõi đô thị thị trấn Lý Sơn với diện tích 150ha, theo quy định, người dân xây dựng nhà phải xin giấy phép xây dựng, nhưng thực tế, đa số người dân khi xây dựng đều không xin phép, không theo quy hoạch.
Còn riêng khu ngoài trung tâm gần như người dân khi xây dựng cũng không xin giấy phép. Chỉ tính riêng trong tháng 7.2016, xã An Vĩnh có 30 nhà đang xây, xã An Hải 22 nhà đang xây, tuy nhiên, hầu hết người dân không xin giấy phép để xây dựng.
|
Tình trạng xây dựng nhà không phép diễn ra khá phổ biển trên địa bàn huyện Lý Sơn. |
Không riêng nhà dân, mà thậm chí, những công trình nhà cao tầng, kiên cố xây dựng trái phép diễn ra công khai, nhưng chính quyền địa phương không phát hiện xử lý kịp thời, có trường hợp lập biên bản đình chỉ thi công nhưng thiếu kiểm tra, giám sát nên người dân và doanh nghiệp vẫn tổ chức thi công.
Điển hình như việc xây dựng chùa trái phép tại khu vực chùa Đục và xây dựng Khu phức hợp Sài Gòn- Lý Sơn tại khu vực đường đông nam đảo thuộc thôn Đông, xã An Vĩnh. Dù chính quyền địa phương đã lập biên bản đình chỉ thi công, nhưng việc xây dựng trái phép vẫn không hề dừng lại.
“Qua công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng của Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thì chúng tôi nắm được, hiện nay trên địa bàn huyện có 14 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép”- ông Võ Văn Quỳnh Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết. |
Điều đáng lo ngại nữa, trên địa bàn huyện đang xảy ra tình trạng lấy hình thức cá nhân đầu tư xây dựng xong chuyển qua tổ chức. Cùng với đó, là tình trạng UBND xã cho phép xây dựng trên cả những đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đồng thời, tình trạng người dân tự ý đổ đất san lấp dọc theo đường cơ động để chiếm dụng làm hàng quán, nhà đã và đang diễn ra tràn lan. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện tuyến đường đường cơ động mới xây dựng từ cầu cảng Lý Sơn đến cầu vượt đã có 9 hộ tự ý đổ đất san lấp, lấn chiếm phần diện tích trước nhà.
“Hiện nay, đảo Lý Sơn đang như một đại công trình xây dựng, mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch. Bây giờ nếu không có biện pháp khắc phục, xử lý ngay thì sẽ rất khó quản lý xây dựng trên đảo, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép sẽ diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát được”- ông Nguyễn Phong- Giám đốc Sở Xây dựng nhận định.
Lúng túng trong quản lý xây dựng
Việc xây dựng ồ ạt các công trình dân dụng, dịch vụ, dân sinh... thiếu định hướng và quy hoạch thời gian qua đã làm Lý Sơn biến dạng, không phải thay đổi theo hướng tích cực, bền vững. Dẫn đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của đảo. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại gặp khó khăn trong việc quản lý xây dựng.
“Việc phát triển đảo Lý Sơn chúng ta không nôn nóng, mà phải phát triển Lý Sơn theo hướng bền vững trở thành một đảo xanh, đừng trở thành đảo bê tông hóa. Bởi, du khách đến Lý Sơn để khám phá những cảnh quan tự nhiên và tính hoang sơ của đất đảo, chứ du khách đến đây không phải để ngắm những khu đô thị như ở đất liền”- ông Nguyễn Công Hoàng- Phó Giám đốc Sở Xây dựng bày tỏ. |
Dù thực trạng xây dựng ồ ạt và xây dựng trái phép diễn ra phổ biến, thế nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, UBND huyện chỉ mới cấp được 3 giấy phép xây dựng, lập biên bản 1 đơn vị xây dựng không phép và đề nghị hoàn thành thủ tục để cấp phép, đã nhắc nhở và đề nghị 4 đơn vị đang thi công chưa có giấy phép sớm hoàn thành thủ tục để cấp phép xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận: Việc triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng của huyện còn nhiều hạn chế, đa phần người dân chưa biết về quy hoạch, nên hầu hết ở khu vực trung tâm huyện người dân đều tự ý xây dựng không phép. Bên cạnh đó, huyện chưa thành lập Đội quản lý trật tự đô thị nên công tác quản lý xây dựng chưa được chặt chẽ, công tác phát hiện, ngăn chặn người dân xây dựng trái phép chưa kịp thời.
|
Cần xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép trên huyện đảo |
Trước thực trạng này, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho rằng, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, còn nhiều trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, cấp phép không đúng thẩm quyền, sai quy định của tỉnh… trong thời gian qua ở huyện đảo Lý Sơn là thể hiện năng lực quản lý còn yếu kém, buông lỏng quản lý xây dựng. Lãnh đạo huyện Lý Sơn cần phải mổ xẻ nguyên nhân cho kỹ, đừng đổ lỗi cho khách quan.
“Đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh và huyện cần quyết liệt chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, tránh tình trạng lấn chiếm đất công và xây dựng trái phép. Đồng thời, kiểm tra ngay các tổ chức, cá nhân xây dựng không phép trên địa bàn huyện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì kéo theo hệ lụy, người này vi phạm được thì người kia vi phạm được, cán bộ này vi phạm được thì cán bộ kia vi phạm được. Cuối cùng thì cả bộ máy vi phạm, làm sai quy định”- Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đề nghị.
Để quản lý tốt quy hoạch và xây dựng trước nguy cơ phá vỡ quy hoạch trên huyện đảo Lý Sơn, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phong yêu cầu huyện Lý Sơn, quản lý nghiêm ngặt việc cho thuê đất và không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khi nào hoàn thành quy hoạch 1/2000 huyện đảo Lý Sơn mới có hướng chuyển đổi theo quy hoạch. Đồng thời, sớm thành lập ngay đội quản lý trật tự đô thị, cùng phối hợp với thanh tra huyện để làm tốt chức năng quản lý đô thị, quản lý đất đai trên địa bàn.
UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán chi phí Quy hoạch xây dựng huyện Lý Sơn đến năm 2025 do Công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư. Hiện, Công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Tân đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn Nhật Bản lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 huyện Lý Sơn. Hiện đơn vị tư vấn đang tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng; dự kiến đến tháng 1.2017 sẽ hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt. |
Bảo Ngọc
Kỳ 2: Những điểm trừ trong mắt du khách