Áp thuế Artemi: Cơ hội cho ngành sản xuất tôm giống trong tỉnh

02:08, 15/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Thông tin trứng Artemi sẽ bị áp thuế 5%, khiến người nuôi tôm lo lắng giá tôm giống sẽ tăng mạnh. Nhưng với Trung tâm Giống Quảng Ngãi (Trung tâm Giống), đây được xem là cơ hội để bứt phá trong việc chiếm lĩnh thị trường cung cấp tôm giống trong và ngoài tỉnh.
 

Trong cái khó, “ló” cái mới

Trứng Artemi là thức ăn chính của tôm giống (tôm post). Vì thế, việc áp thuế nhập khẩu trứng Artemi 5% chắc chắn sẽ khiến giá tôm giống tăng mạnh trong thời gian tới, ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi tôm. Tuy nhiên, với người nuôi tôm trong tỉnh, nỗi lo này đã được giải tỏa nhờ quy trình sản xuất tôm giống của Trung tâm Giống.

 

Áp thuế Artemi, người nuôi tôm trong tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp cận nguồn tôm giống chất lượng, giá cả phải chăng của Trung tâm giống.
Áp thuế Artemi, người nuôi tôm trong tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp cận nguồn tôm giống chất lượng, giá cả phải chăng của Trung tâm giống.

Thay vì dùng trứng Artemi, Trung tâm Giống đã “nuôi” tôm giống bằng sinh khối tảo Spirullina do chính đơn vị sản xuất. Với sinh khối tảo Spirullina- vốn không quá khó trong việc nhân giống và sản xuất, đã giúp Trung tâm Giống chủ động nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản xuất tôm giống. Do đó, dù giá trứng Artemi sẽ biến động do thuế suất nhập khẩu tăng, nhưng giá tôm giống của Trung tâm Giống vẫn ổn định.

Theo đánh giá của người nuôi tôm trên địa bàn Quảng Ngãi, chất lượng tôm giống do Trung tâm Giống sản xuất không hề thua kém các đơn vị ngoài tỉnh. Lão nông Nguyễn Sáu, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho rằng, sau thời gian “kết thân” với các công ty, cơ sở sản xuất tôm giống tỉnh Bình Định thì hiện nay, ông đã trở thành “khách hàng thân thiết” của Trung tâm Giống.

Sự thay đổi này, theo ông Sáu là vì: “Mua hàng gần nhà thì việc bảo hành sẽ tốt hơn, lại tiện sửa chữa khi hư hỏng”. Ví dụ như chuyện hỗ trợ kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm. Khi mua tôm giống ngoài tỉnh, ông Sáu cũng như nhiều hộ dân không thể kiểm soát được số lượng và chất lượng. Đã thế, khi tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, nông dân cũng phải tự bơi vì “công ty ở xa nên khi cán bộ kỹ thuật của họ tới hồ thì tôm cũng chết hết rồi”, ông Sáu cho hay.

Trứng Artemi là luân trùng được sử dụng làm thức ăn cho tôm post thẻ chân trắng. Ở Việt Nam, Artemi có nhiều ở vịnh Cam Ranh hay vùng biển Nha Trang. Để đảm bảo nhu cầu sản xuất và chất lượng tôm giống, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu trứng Artemi với giá 2- 3,5 triệu đồng/kg với thuế suất 0%. Tuy nhiên, Thông tư 98 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 13.8.2016, mặt hàng trứng Artemia sẽ được áp thuế 5%.
Khai thác tiềm năng

Ông  Đào Tư Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi cho rằng, việc áp thuế nhập khẩu trứng Artemi sẽ tác động rất lớn đến nhà sản xuất tôm giống. Tuy nhiên, đối với những đơn vị có hướng phát triển riêng, ít hoặc không cho tôm giống “ăn” trứng Artemi thì đây lại là cơ hội để họ bứt phá trong việc chiếm lĩnh thị trường. Bởi, “trứng Artemi là loại thức ăn cao cấp dành cho tôm giống. Nhưng vì giá quá cao, lại phụ thuộc vào nhập khẩu nên nhiều doanh nghiệp không lựa chọn”, ông Hiền cho hay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu không được “ăn” trứng Artemi, tôm giống sẽ kém chất lượng. Giải đáp băn khoăn trên ông Hiền cho rằng, ngoài thức ăn, chất lượng tôm giống còn phụ thuộc vào các yếu tố như môi trường, kỹ thuật sản xuất cũng như hạ tầng vùng nuôi. “Biến động về thuế Artemi có thể là cơ hội để ngành sản xuất tôm giống nghiên cứu, sản xuất và chế biến thức ăn cho tôm giống từ các loại nguyên liệu sẵn có nhưng rẻ, an toàn, hiệu quả, thay vì phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu”, ông Hiền nhận định.

Trong khi đó nhiều người nuôi tôm trong tỉnh cũng cho biết, dù mua tôm giống của các công ty lớn, có uy tín với mức giá không hề rẻ nhưng tỷ lệ hao hụt vẫn rất lớn, dịch bệnh cũng liên tục xảy ra. “Chúng tôi không biết nguyên nhân khiến tôm bị nhiễm bệnh. Nhưng thực tế, nhiều lần tôm giống “xịn” giá cao vẫn chết vì bệnh; còn tôm giống của những cơ sở sản xuất nhỏ mà có giấy kiểm dịch thì lại đạt”, ông Đỗ Tuấn, thôn Vân Hà, xã Đức Phong khẳng định.

 Hiện nay Trung tâm Giống chỉ đáp ứng 5- 10% nhu cầu tôm giống trong tỉnh. Vì vậy, để có thể chiếm lĩnh thị trường 800 triệu post tôm thẻ chân trắng mỗi năm, đơn vị này cần có chiến lược đầu tư bền vững. “Song song với việc tăng cường nguồn nhân lực, đơn vị sẽ tập trung đầu tư thiết bị và ứng dụng chuyển giao kỹ thuật sản xuất để vừa đáp ứng số lượng, vừa đảm bảo chất lượng tôm giống”, ông Hiền cho hay.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.