Vốn đóng tàu 67: "Vênh" giữa nhu cầu và cho vay

11:07, 04/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn hai năm đeo bám, ngư dân  mới có thể hoàn tất thủ tục vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Thế nhưng vào giờ chót, ngân hàng trả lại hồ sơ, không cho vay khiến  họ thất vọng. Còn ngân hàng không giải ngân vì tiềm ẩn nhiều rủi ro và băn khoăn về tính hiệu quả của một số dự án tàu vỏ thép...

TIN LIÊN QUAN

Tan hy vọng "tàu vỏ thép"

Hơn 20 năm bám biển, ngư dân Nguyễn Anh Tuấn ở xã Nghĩa An và Phạm Văn Cu ở xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) vui mừng khi Nghị định 67 cho vay đóng tàu vỏ thép triển khai trên địa bàn Quảng Ngãi. Hai ngư dân này bán tàu gỗ, dồn vốn đóng tàu vỏ thép theo cơ chế hỗ trợ của Chính phủ.

Hai ngư dân Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Văn Cu buồn bã, thất vọng vì bị từ chối cho vay đóng tàu 67.
Hai ngư dân Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Văn Cu buồn bã, thất vọng vì bị từ chối cho vay đóng tàu 67.


Ròng rã hai năm, hai ngư dân trên nỗ lực hoàn thành mọi thủ tục; rồi hoàn tất việc lập thiết kế, chọn cơ sở đóng tàu... Ngày 28.9.2015, họ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận cho vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, với số tiền hơn 14 tỷ đồng/ngư dân.

Ngư dân Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Tôi chọn Vietcombank- Chi nhánh Quảng Ngãi (VCB Quảng Ngãi) để vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Tôi đã hoàn tất mọi thủ tục, kể cả việc đóng vào tài khoản tại Vietcombank số tiền hơn 760 triệu đồng vốn đối ứng 5% giá trị con tàu từ ngày 6.5.2016. Thế nhưng, ngày 20.6, VCB Quảng Ngãi kêu tôi rút tiền về vì không thể giải ngân cho tôi vay đóng tàu vỏ thép được".

Ngư dân Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: "Tôi đã bán 2 chiếc tàu gỗ, chuẩn bị đóng tàu lớn hơn để đánh bắt. Vừa lúc ấy thì có chính sách cho vay đóng tàu vỏ thép, tôi nhờ tư vấn, lập hồ sơ, được phê duyệt cho vay, ngân hàng cũng đã chấp thuận. Thế nhưng giờ không cho vay nữa, tôi chẳng biết phải làm sao".

Ngân hàng lo rủi ro

Tại Công văn số 278/VCB.QNg-KHBL ngày 17.6.2016, Phó Giám đốc VCB Quảng Ngãi Nguyễn Hồng Chung thông báo việc không thể đầu tư tín dụng dự án đóng tàu của ông Nguyễn Anh Tuấn như sau: "Khách hàng không có kinh nghiệm đối với nghề lưới rê do chưa từng hoạt động nghề này, nên tính khả thi của việc thực hiện dự án đóng tàu là không đảm bảo, rủi ro cho khách hàng và ngân hàng rất cao. Dự án được đánh giá là không khả thi, không hiệu quả, không đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng. Vì vậy khách hàng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho vay vốn theo quy định của Nghị định 67".

 Lãnh đạo VCB Quảng Ngãi cũng đã trực tiếp trả lời hai ngư dân Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Văn Cu. Còn theo anh Tuấn: "Lãnh đạo ngân hàng bảo rằng cho vay theo Nghị định 67 tiềm ẩn rủi ro và thực tế ngư dân được vay trước đấy cũng làm ăn không hiệu quả. Ngân hàng cho vay phải tính đến hiệu quả đồng vốn là đúng, nhưng cái chúng tôi trách ngân hàng là không trả lời dứt khoát về việc hồ sơ của chúng tôi có đủ điều kiện cho vay vốn theo Nghị định 67 hay không. Nếu không đáp ứng thì từ chối từ đầu. Đằng này cứ dùng dằng kéo đến hai năm rồi từ chối là tội cho ngư dân".

VCB Quảng Ngãi đã báo cáo những khó khăn trong cho vay vốn theo Nghị định 67 với các cơ quan chức năng. Trong đó đáng chú ý là vấn đề lãi suất. Cụ thể, lãi suất cho vay theo Nghị định 67 được ấn định là 7%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động của VCB Quảng Ngãi là 6,8%/năm. Như vậy, với mức chênh lệch 0,2%/năm, chưa tính chi phí hoạt động của ngân hàng và chi phí trích lập quỹ dự phòng 0,75% thì ngân hàng bị lỗ 0,55%/năm. Từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, thu nhập và tiền lương của cán bộ nhân viên.


Tính đến thời điểm này, VCB  Quảng Ngãi chỉ giải ngân cho một tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Hân ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Theo thẩm định ban đầu, dự án của ông Hân phải đạt doanh thu 600 triệu đồng/phiên biển thì mới hiệu quả. Thế nhưng, qua hai phiên biển tàu ông Hân chỉ đạt doanh thu 50 triệu đồng/tháng, chưa bằng 1/10 số doanh thu thẩm định.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.