Ngư dân và Nghị định 67

08:04, 13/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những quy định về điều kiện hỗ trợ đối với tàu cá đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 được ban hành hơn một năm qua. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cả ngư dân lẫn chính quyền địa phương tỏ ra khá lúng túng bởi không một ai hiểu được thế nào là vùng biển xa bờ...

TIN LIÊN QUAN

Tại điểm b, khoản 2, Điều 7, Nghị định 67 ghi rõ, điều kiện hỗ trợ đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác hải sản. Trong đó, đăng ký tàu dịch vụ khai thác hải sản thường xuyên hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương nơi đăng ký hoặc nơi cư trú.

Có xác nhận tàu hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ của đơn vị bộ đội đóng trên đảo gần ngư trường khai thác hải sản, hoặc xác nhận vị trí hoạt động của tàu dịch vụ khai thác hải sản bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh (GPS) của cơ quan chức năng. Có xác nhận của chủ tàu khai thác hải sản xa bờ (số hiệu tàu, tên người mua, số lượng từng loại hàng hóa mua). Ghi và nộp nhật ký tàu dịch vụ từng chuyến biển cho cơ quan quản lý nhà nước về khai thác thủy sản tại địa phương nơi đăng ký hoặc cư trú.

Các điều khoản khá chi tiết. Nhưng, mới đây tại hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, về một số chính sách phát triển thủy sản diễn ra tại TP. Quảng Ngãi, câu chuyện “định nghĩa thế nào là vùng biển xa bờ” của UBND tỉnh kiến nghị với Bộ NN&PTNT khiến chúng ta không khỏi bất ngờ. Bất ngờ ở chỗ, đến thời điểm hiện tại cả ngư dân lẫn chính quyền đều không thể xác nhận vùng biển xa bờ là bao nhiêu hải lý so với đất liền, không có tọa độ, vùng biển cụ thể thì làm sao họ được nhận tiền hỗ trợ khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển.

Không những vậy, khi chủ trương ưu đãi ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 được ban hành, luật đã kèm theo nhiều điều khoản quy định rõ. Trong đó, ngư dân đóng tàu không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng. Các quy định này không được tuyên truyền sâu rộng, dẫn đến ngư dân không biết nên đã "vui vẻ" chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng giờ đây họ bất ngờ khi biết mình nằm trong diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng khi đóng tàu. Nhiều người tìm đến các cơ quan thuế đòi lại tiền hoàn thuế, nhưng lại gặp phải những quy định rườm rà...

Câu chuyện trái khoáy đang đè nặng lên đôi vai những ngư dân khát vọng vươn khơi xa. Đã đến lúc chúng ta cần phải có cách làm mới, thay đổi kịp thời về chính sách, quy định để những con tàu 67 mang khát vọng làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc vững bước rẽ sóng vươn khơi.

LÊ ĐỨC
 


.