Nuôi thỏ New Zealand: Vốn ít, thu nhập khá

07:06, 11/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là giáo viên, nhưng ông Phạm Kết, ở tổ 10, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) lại có đam mê nuôi thỏ. Từ 5 con thỏ, đến nay ông Kết đã phát triển đàn thỏ của mình lên hàng trăm con, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Hiện trong chuồng nuôi của ông Kết có gần 200 con thỏ New Zealand lớn nhỏ. Trước đó ông đã xuất bán gần 300 con thỏ thịt và giống. Ít ai biết được, khi mới bắt đầu nuôi ông Kết chỉ bỏ ra một số vốn khá khiêm tốn để mua 5 con thỏ giống. Chia sẻ về bí quyết nhân đàn siêu nhanh của mình, ông Kết cho hay: “Giống thỏ New Zealand này rất “mắn” đẻ.
 
Trung bình 1,5 tháng là đẻ một lần, mỗi lần đẻ dao động từ 6 - 9 con. Cứ như vậy, chỉ vài tháng là trong chuồng nuôi đã lên đến hàng trăm con. Thỏ con sau 3 tháng nuôi, có thể xuất bán ra thị trường, với giá hiện nay 120 nghìn/kg thỏ giống, 90 nghìn/kg thỏ thịt. Hiện nay, thị trường rất ưa chuộng thịt thỏ. Riêng thỏ mình nuôi lúc có nhu cầu bán, chỉ cần “a lô” là có thương lái đến tận chuồng để thu mua”.
 
Ông Phạm Kết bên đàn thỏ của mình.
Ông Phạm Kết bên đàn thỏ của mình.


Tuy sống ở thành phố, nhưng ông Kết lại là người rất thích làm trang trại, đam mê chăn nuôi. Tuy nhiên, đất vườn để xây dựng trang trại vốn rất eo hẹp, dẫn đến việc chọn một giống vật nuôi ít tốn diện tích là điều tương đối khó. Xuất phát từ thực tiễn đó, ông Kết chọn giống thỏ để nuôi. “Chỉ vài chục mét vuông là tôi có thể tận dụng nuôi được vài trăm con thỏ theo mô hình hình tháp xây.

Vì vậy, chuyện tìm mặt bằng không còn “bí” nữa. Tôi thấy nghề nuôi thỏ này không nặng nhọc lắm, rất phù hợp với những người đã lớn tuổi. Tháng nào cũng có thỏ để bán, thu nhập mỗi tháng được vài triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Công việc mà mình đam mê cũng là niềm vui trong cuộc sống. Nếu bà con nào muốn học mô hình này mình rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm”- ông Kết nói.

Ở thành phố dân cư sống đông đúc, việc chăn nuôi với số lượng lớn, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Nhưng ông Kết nuôi thỏ theo quy trình khép kín, phân vật nuôi và thức ăn thừa đều được xử lý triệt để. Vì thế mô hình nuôi thỏ này không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, đồng thời cũng tạo môi trường sống thuận lợi cho vật nuôi. "Làm kinh tế, nhưng tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng", là tâm niệm trong chăn nuôi của ông Kết.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.