(Báo Quảng Ngãi)- Đa dạng chủng loại, phong phú mẫu mã lẫn... chất lượng nên thị trường thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chẳng khác gì một “ma trận”. Nông dân vì thế phải đặt cược năng suất và chất lượng cây trồng của mình vào uy tín của các chủ cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cỏ chết, lúa cũng sụn
Ngày 2.6, hàng chục hộ dân ở thôn Long Khánh, xã Tịnh Thiện (TP. Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên khi nhìn lúa non chết dần chết mòn. “Vụ này tôi cày lật phơi ải đất, nên cứ nghĩ lúa sẽ tốt lắm. Ai ngờ...”, ông Trần Ngọc Phi bỏ lửng câu nói khi nhìn 5 sào lúa bị sụn thân, vàng lá.
Nhổ mạ kiểm tra, ông Phi thấy phần rễ bị đen và thối. Cạnh đó, người hàng xóm Đỗ Thanh Vân cũng xót xa khi nhìn 4 sào lúa của mình mọc lưa thưa, cây chết, cây còi cọc. Cùng với ông Phi, ông Vân, nhiều hộ dân ở xã Tịnh Thiện, Tịnh Hòa cũng lo lắng khi lúa chậm phát triển, thân sụn, lá vàng; thậm chí bị chết.
Lúa nhà ông Vân đã 8 ngày nhưng mọc lưa thưa, số bị chết, số còi cọc, sụn thân vàng lá. |
Nông dân thôn Long Khánh phản ánh, sau khi sạ được một ngày, họ sử dụng thuốc đặc trị cỏ lúa hiệu Hilton 320 EC, lọ 100ml do Công ty Hóa Nông Hợp Trí (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất. Sau khi phun thuốc 3 – 4 ngày họ hốt hoảng khi thấy cỏ sạch, mà lúa cũng sụn! Ngay lập tức, người dân thông báo với chủ cửa hàng kinh doanh phân bón và thuốc BVTV Tâm Phú ở thôn Long Khánh thì được đơn vị này cung cấp các loại thuốc dưỡng cây để “giải độc” cho lúa.
Chủ cửa hàng Tâm Phú cho biết, đây là loại thuốc mới và cũng là lần đầu tiên cửa hàng bán cho nông dân. Đến thời điểm này, cửa hàng Tâm Phú đã bán hết 300 lọ thuốc đặc trị cỏ lúa hiệu Hilton 320 EC, loại 100ml. Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng Tâm Phú thì phản ứng sau khi sử dụng thuốc của người dân là trái chiều. “Người bảo thuốc này sạch cỏ tốt lúa. Người khác lại nói sạch cỏ nhưng sụn lúa. Tôi cũng đã báo với nhà cung cấp để họ tìm nguyên nhân và có hướng xử lý”, chủ cửa hàng Tâm Phú cho hay.
Cần hành động quyết liệt
Theo chủ cửa hàng Tâm Phú, thuốc đặc trị cỏ hiệu Hilton 320 EC có tác dụng diệt cỏ mạnh nên với 100ml được chỉ định dùng cho 1.000m2 lúa. Ngoài ra, sau khi sử dụng 2-3 ngày thì nông dân phải tháo nước ra để “giải độc” cho lúa. Do đó, khi xảy ra tình trạng lúa chết, bị sụn thân thối rễ, có ý kiến cho rằng, do “nông dân sử dụng thuốc chưa đúng quy trình hướng dẫn, thậm chí dùng... quá liều!”. Song, nhận định này vấp phải sự phản ứng từ phía nông dân. “Tôi làm lúa gần hết đời, đâu phải không biết sử dụng thuốc. Nhất là với loại thuốc mới như Hilton 320 EC, tôi lại càng thận trọng và thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, nhưng vẫn xảy ra tình trạng này”, bà Đỗ Thị Hương bức xúc.
Nhiều nông dân trong tỉnh cũng đã từng điêu đứng khi sử dụng thuốc trừ sâu thì cây lúa cũng bị “diệt”, hay dùng thuốc dưỡng cây cho ớt, nhưng lại khiến nó “tịt” quả... Điều đáng nói là sau khi kiểm tra, ngành chuyên môn khẳng định lỗi do bà con nông dân sử dụng sai quy trình hướng dẫn...
Vì những lẽ nêu trên, nông dân mong muốn ngành chức năng, cần quyết liệt hơn nữa trong việc thanh kiểm tra và truy xuất nguồn gốc, chất lượng thuốc BVTV; đồng thời công bố danh mục thuốc BVTV của những doanh nghiệp, cửa hàng không đảm bảo chất lượng để người dân biết, tránh những rủi ro không đáng có.
Bài, ảnh: PV