(Báo Quảng Ngãi)- Xác định công nghiệp và đô thị là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện Nghĩa Hành đã tập trung nguồn lực đầu tư cũng như thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thiện hạ tầng. Phấn đấu đến cuối năm 2016, thị trấn Chợ Chùa được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công nghiệp: Đột phá
Lúc mới thành lập, Cụm công nghiệp - Làng nghề (CN-LN) Đồng Dinh không phải là địa chỉ được nhiều nhà đầu tư chú ý vì điều kiện mặt bằng, chính sách thu hút hỗ trợ kém hấp dẫn hơn các cụm CN-LN khác trong tỉnh. Vì thế, giai đoạn 2010 - 2012, Cụm CN-LN Đồng Dinh hoạt động ì ạch, đóng góp vào ngân sách huyện chưa đến 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng đó là chuyện của quá khứ, còn hiện tại, Cụm CN-LN Đồng Dinh đã sôi động, sầm uất, là “điểm dừng” hiệu quả của 7 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách huyện hơn 14 tỷ đồng mỗi năm.
Một góc thị trấn Chợ Chùa. |
Năm 2016, Cụm CN-LN Đồng Dinh đón thêm 3 nhà đầu tư lớn gồm: Công ty may Vinatex Đà Nẵng, DN sản xuất viên gỗ nén và DN sản xuất tôn thép, với tổng nguồn vốn gần 200 tỷ đồng. Ba DN này dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2016, đầu năm 2017 và hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động địa phương.
Tiếp đà phát triển, Nghĩa Hành đang trình UBND tỉnh cho phép mở thêm Cụm Công nghiệp Hành Minh và Hành Đức, với tổng diện tích trên 30ha. Tại khu vực này, hiện có hai DN sản xuất gạch tuy-nel Phú Điền và Sao Vàng hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Dù sốt sắng mở cụm công nghiệp mới và “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư, nhưng không vì thế mà huyện Nghĩa Hành không “lọc” lĩnh vực đầu tư. Đơn cử như DN sản xuất viên gỗ nén tại Cụm CN-LN Đồng Dinh. Lẽ ra, DN này đã được cấp phép đầu tư và sớm xây dựng, đi vào hoạt động từ đầu năm 2016. Song, vì báo cáo đánh giá tác động môi trường của DN chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên UBND huyện Nghĩa Hành cũng không vội cấp phép đầu tư.
Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, lập danh sách cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường để có cơ chế hỗ trợ di dời ra khỏi khu dân cư. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và chính DN.
“Quan điểm của huyện là ưu tiên phát triển kinh tế, nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường. Môi trường trong sạch, lành mạnh thì cả DN, chính quyền và người dân mới “an cư lạc nghiệp” được”, ông Phan Bình - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành khẳng định.
“Hiện nay, thị trấn Chợ Chùa đã đạt 75,5 điểm, 4/6 chỉ tiêu tổng quát và 40/49 tiêu chí thành phần, đủ điều kiện để được công nhận đô thị loại V. Huyện Nghĩa Hành đang hoàn thành các thủ tục cần thiết trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét công nhận thị trấn Chợ Chùa đạt đô thị loại V vào kỳ họp HĐND cuối năm 2016”. Ông Phan Bình- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành. |
Đô thị: Khởi sắc
Trong khi lĩnh vực công nghiệp đã và đang tạo bước đột phá thì, đô thị huyện Nghĩa Hành cũng ngày càng khởi sắc. Nếu như 11 xã tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM), thì thị trấn Chợ Chùa cũng gắng sức để cán đích đô thị loại V vào cuối năm 2016.
Theo đánh giá của UBND huyện Nghĩa Hành, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị trên địa bàn, địa phương đã huy động trên 224 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị Chợ Chùa.
Điểm nhấn của sự đổi thay này, chính là sự có mặt của Siêu thị Nghĩa Hành với kinh phí đầu tư trên 28 tỷ đồng. Và sắp tới, hạ tầng đô thị Chợ Chùa cũng sẽ tiếp tục được “làm mới” khi chợ Chùa được đầu tư xây mới hiện đại, với kinh phí 20 tỷ đồng.
Nhờ những yếu tố trên, cơ cấu kinh tế đô thị huyện Nghĩa Hành có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ (chiếm 48,6%) và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (chiếm 34%); giảm tỷ trọng nông nghiệp (còn 17%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực đô thị hằng năm gần 17%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện gần 11%.
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 6%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong khu vực nội thị chiếm gần 75%... Đời sống nhân dân vì thế cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao; môi trường đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Nhà máy gạch tuy-nel Phú Điền hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. |
Tuy nhiên, để thị trấn Chợ Chùa cán đích đô thị loại V vào cuối năm 2016, định hướng phát triển đến năm 2020 sẽ phải cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách từ cấp trên phân bổ chậm; công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập nên việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đô thị gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Việc quản lý, bảo vệ cảnh quan môi trường và văn minh đô thị, nhất là việc xây dựng nhà ở, phát triển cây xanh, an toàn giao thông... vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo quy hoạch đô thị.
Khắc phục những khiếm khuyết trên, bên cạnh việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; thực thi hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư; ưu tiên phát triển và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế... huyện Nghĩa Hành xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.
“Chất lượng đô thị do con người quyết định. Do đó, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn quản lý và điều hành, “hồng” về đạo đức chính trị chính là cách để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại”, ông Phan Bình lý giải.
Bài, ảnh: MỸ HOA