Cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

08:06, 09/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt qua đó, đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tổng sản phẩm, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả bước đầu

Ngoài những cơ chế, chính sách chung của Trung ương ban hành được áp dụng, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành 4 chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư, bao gồm: Chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình của dự án đầu tư trong Khu quy hoạch đô thị Vạn Tường thuộc KKT Dung Quất; chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, môi trường và giám định tư pháp và chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020.

Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là dự án được tỉnh ưu tiên tập trung hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là dự án được tỉnh ưu tiên tập trung hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.


Theo số liệu của UBND tỉnh, kể từ khi chính sách đầu tiên được ban hành (Quyết định số 52/2013, ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh), đến hết năm 2015 tỉnh ta đã cấp phép cho 70 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 48.354 tỷ đồng.

Trong đó, KKT Dung Quất có 27 dự án/42.086 tỷ đồng; các khu công nghiệp tỉnh 15 dự án/906 tỷ đồng; ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp 28 dự án/5.362 tỷ đồng. Trong số 70 dự án được cấp phép thì có 10 dự án thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh, gồm 2 dự án ở KKT Dung Quất (cấp nước, công viên) và 8 dự án ngoài KKT, KCN (chăn nuôi, chợ, bệnh viện, nước sạch, quang điện mặt trời và trồng rau an toàn).

So sánh với các tỉnh, thành phố khác thì chính sách của Quảng Ngãi ban hành tương đối toàn diện, mức ưu đãi cơ bản như các địa phương khác. Tuy nhiên số lượng dự án và mức vốn thu hút đầu tư thời gian qua chưa nhiều, đặc biệt là số lượng dự án được hỗ trợ so với tổng dự án được cấp phép chỉ chiếm 14%.
 

Ban hành Quy định chính sách mới về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư

Thấy rõ những hạn chế của các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Tổ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư và mới đây đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến dự thảo Quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Quy định lần này phân thành 2 nhóm: Đặc biệt khuyến khích đầu tư và khuyến khích đầu tư. Theo đó, sẽ ưu đãi giá thuê đất với tỷ lệ 0,5% nhân với giá đất tính thu tiền thuê đất; hỗ trợ 30% chi phí bồi thường, GPMB với dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư và 15% với dự án khuyến khích đầu tư; ưu tiên quỹ đất sạch cho nhà đầu tư dự án không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ 30% chi phí xây dựng công trình xử lý nước thải  tập trung của khu công nghiệp; hỗ trợ đào tạo lao động 1.000.000 đồng/lao động...

Còn nhiều bất cập cần sửa đổi

Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân khiến việc thu hút dự án và vốn đầu tư vào Quảng Ngãi chưa nhiều, cũng như chưa có nhiều doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh là bởi: Thời gian thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm; thủ tục hành chính, nhất là về đất đai còn rườm rà, kéo dài làm nản lòng nhà đầu tư; giá thuê đất của tỉnh còn cao. Đặc biệt là thủ tục để nhà đầu tư tiếp nhận các khoản ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh còn phức tạp, khó tiếp cận...

Chẳng hạn, đối với chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục- đào tạo, dạy nghề (theo Quyết định 42 của UBND tỉnh), từ khi ban hành chính sách này đến nay, chỉ mới có một nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Điện tử Foster (KCN Tịnh Phong) được nhận hỗ trợ đào tạo lao động trực tiếp với số tiền 914 triệu đồng. Song, để nhận được khoản tiền hỗ trợ trên, doanh nghiệp này phải thực hiện khá nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian.

Ngoài những chính sách tỉnh ban hành chưa được thực thi rộng rãi, thì các văn bản luật của Trung ương cũng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa hoàn chỉnh; các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, chưa thật sự cởi mở để khuyến khích thu hút đầu tư.

Đơn cử như việc Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi (chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi) không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp phần kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, vì ngành thuế xác định đây là hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Trong khi đó, dự án này nằm trong KKT Dung Quất - được Chính phủ xếp vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định. Trước bất cập này, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Tài chính kiến nghị dành chính sách ưu đãi cho Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi...


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.