(Báo Quảng Ngãi)- Giá cả bấp bênh. Nguồn lợi thủy sản thu hẹp. Lực lượng lao động trên biển thiếu... Vì vậy, để “sống được” với nghề biển, nhiều ngư dân đã chủ động chuyển đổi ngành nghề đánh bắt phù hợp hơn.
TIN LIÊN QUAN
Chuyển đổi nghề
Câu mực khơi là nghề truyền thống của hàng trăm hộ dân ở xã Bình Chánh (Bình Sơn). Nghề này một thời đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ, giúp nhiều ngư dân vươn lên thành hộ có thu nhập khá. Thế nhưng, những năm gần đây, giá mực khô không ổn định, thường bị đầu nậu ép giá. Bên cạnh đó, đặc thù của nghề này là cần rất nhiều lao động. Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động đi biển thời gian gần đây đã trở thành vấn đề nan giải nên một số ngư dân đã mua sắm ngư lưới cụ, chuyển sang hành nghề lưới vây, mành chụp để thuận tiện cho việc ra khơi.
Ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn) chuyển đổi từ nghề câu mực sang nghề lưới vây. |
Tuy đã 22 năm gắn bó với nghề câu mực, nhưng ông Nguyễn Tấn Điệp, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh vẫn quyết định chuyển sang nghề lưới vây và mành chụp. “Đối với nghề câu mực thì một chuyến ra khơi thường kéo dài tới 3 tháng nên rất vất vả. Hơn nữa, nghề này nhiều rủi ro. Trong khi đó, nghề mành chụp, lưới vây trung bình mỗi chuyến ra khơi chỉ mất khoảng 15 – 20 ngày. Cá biệt có những đợt trúng luồng cá thì chỉ 7 ngày là có thể cập bờ rồi nên thu nhập cũng khá hơn”, ông Điệp cho biết.
Dù chưa có thâm niên đi biển bằng ông Điệp, nhưng anh Nguyễn Hữu Lộc cũng đã có 10 năm gắn bó với nghề câu mực khơi. Nhờ nghề này mà anh đã kiếm được tiền tỷ để xây dựng căn nhà khang trang. Tuy nhiên, trước tình cảnh, mỗi chuyến ra khơi phải chạy ngược chạy xuôi tìm bạn đi biển, anh Lộc đã quyết định chuyển sang nghề lưới vây.
Thuận lợi đối với nghề lưới vây là toàn bộ sản lượng hải sản khai thác được các đầu nậu thu mua ngoài khơi nên đỡ tốn chi phí vào bờ tiêu thụ. “Từ đầu năm đến giờ, 2 chiếc tàu của tôi ra khơi 5 chuyến. Sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên thu được 5– 8 triệu đồng/chuyến. Thu nhập như thế là sống được với nghề rồi!”, anh Lộc chia sẻ.
Còn đối với bà con ngư dân ở Phổ Châu (Đức Phổ) thì những năm gần đây đã mạnh dạn chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương. Hiện tại xã Phổ Châu có khoảng 43 tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Trong đó, chỉ còn khoảng 5 tàu hành nghề lưới rê, còn lại đều làm nghề câu cá ngừ đại dương. Đặc biệt là, nếu như lưới rê cần tới 12 – 15 lao động, thì nghề câu cá ngừ đại dương chỉ cần 6 – 7 lao động. Thậm chí, nếu “bí” lao động thì chỉ cần 4 – 5 người vẫn có thể đi câu được. Không chỉ ít lao động mà nghề câu cá ngừ đại dương chi phí cũng ít tốn hơn, trong khi giá bán cá lại cao, nên chủ tàu thì luôn có lãi, còn bạn tàu thì có thu nhập khá.
Vẫn còn khó khăn
Ông Nguyễn Hữu Ngọt – Chủ nhiệm HTX Đánh bắt xa bờ và Dịch vụ thủy sản xã Bình Chánh cho biết: Hiện tại, trên địa bàn xã Bình Chánh đã có 25 chiếc tàu câu mực khơi chuyển sang nghề lưới vây và mành chụp. Việc chuyển đổi này đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển nghề cá ở địa phương. Song để sắm mới một dàn lưới vây, mành chụp và một số dụng cụ cần thiết phải tốn từ 500 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng nên ngư dân gặp khó khăn. Trong khi đó, phần lớn chủ phương tiện tàu thuyền trước đây đều vay vốn ngân hàng nên bây giờ không thể vay thêm.
Không riêng gì những tàu thuyền lớn, chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ cũng đang rất cần nguồn vốn để nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, chuyển đổi ngành nghề đánh bắt. Tuy nhiên, đối với những đối tượng này thì nguồn vốn chỉ cần vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng nhưng vẫn khó tiếp cận. Bởi khi hỏi vay thì tất cả các ngân hàng đều hỏi sổ đỏ, thủ tục lại rườm rà. Chính những “rào cản” này đã tạo cơ hội cho “tín dụng đen” vẫn tồn tại và phát triển ở vùng biển.
Bài, ảnh: HỒNG HOA