(Báo Quảng Ngãi)- Chưa kịp mừng với nội dung vay vốn để cải hoán, nâng cấp tàu của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản (NĐ 67) thì ngư dân vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Ngân hàng không tin tưởng”
Đó là chia sẻ của nhiều ngư dân trong tỉnh. Bởi, với những ngư dân đăng ký đóng mới tàu, ngân hàng sẽ có điều kiện “chọn mặt gửi vàng” vì được tham gia thẩm định giá trị con tàu cũng như đánh giá hiệu quả sản xuất. Còn với ngư dân có nhu cầu cải hoán, nâng cấp tàu thì điểm xuất phát kinh tế cũng như hiệu quả khai thác đánh bắt thấp nên ngân hàng e ngại đầu tư vì lo thất thoát vốn.
Ngư dân có nhu cầu vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu theo NĐ 67 hiện vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. |
Ngoài ra, dù NĐ 67 có nội dung cho vay cải hoán, nâng cấp nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể cho việc định giá trước và sau khi con tàu được cải hoán, nâng cấp; rồi ngư dân muốn tận dụng trang thiết bị và ngư lưới cụ sẵn có để nâng cấp và cải tạo cho phù hợp với tàu mới, nhưng lại không được tính vào vốn đối ứng để được vay... Ngư dân vì thế lại càng khó tiếp cận được nguồn vốn vay theo NĐ 67 để cải hoán, nâng cấp tàu.
Theo chủ tàu Nguyễn Sinh Bảnh, thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn), khi biết NĐ 67 khuyến khích ngư dân vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu, tôi cứ ngỡ con tàu có công suất 410CV (cả hai máy chính và máy phụ) sẽ có cơ hội “đổi đời” để thỏa sức vươn khơi xa hành nghề lưới rê. Thế nhưng khi mang hồ sơ đến ngân hàng, thì có quá nhiều vướng mắc. Từ tỷ lệ vốn đối ứng cao, số lượng lao động đi tàu ít, đến hiệu quả khai thác đánh bắt bấp bênh. Vì không đáp ứng được yêu cầu nên việc nâng cấp, cải hoán tàu của ông Bảnh vẫn cứ mãi là... kế hoạch!
Theo điểm c, khoản 1, Điều 4 của NĐ 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. |
Gỡ khó cho ngư dân
Nếu như NĐ 67 vẫn khiến ngân hàng và ngư dân lúng túng với chuyện sử dụng máy cũ, máy mới cho tàu cải hoán, nâng cấp thì NĐ 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67 đã tháo gỡ được nút thắt này. Theo NĐ 89, những tàu cải hoán, nâng cấp có thể dùng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng. Chính phủ cũng đã giao Bộ KH&CN quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có máy thủy. Trong trường hợp cần thiết sẽ có quy định riêng về tiêu chuẩn máy thủy đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, chất lượng của máy thủy cũ phải đảm bảo từ 80% trở lên so với máy thủy mới; đồng thời yêu cầu ngư dân lắp đặt máy thủy cũ trên tàu cá phải xuất trình các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Dù vướng mắc trên đã được tháo gỡ nhưng hiện giờ, ngoài 23 chiếc “tàu 67” đã và đang được đóng mới, toàn tỉnh vẫn chưa có chiếc tàu cải hoán, nâng cấp nào được giải ngân. Lý giải điều này, ông Nguyễn Thiên Phiến - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT- Chi nhánh Quảng Ngãi cho rằng: “Không phải ngân hàng làm khó, mà vì ngư dân không đáp ứng đầy đủ điều kiện về vốn đối ứng, hiệu quả làm ăn nên ngân hàng không mạnh dạn đầu tư”.
Cũng theo ông Phiến, một số ngư dân sau khi tìm hiểu đã mạnh dạn đóng mới tàu thay vì cải hoán, nâng cấp tàu như ban đầu. Ví dụ như ngư dân Huỳnh Tấn Nghĩa ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi). Với mong muốn nâng cấp con tàu 330CV để thuận lợi vươn khơi hành nghề lưới rê, ông Nghĩa “gõ cửa” ngân hàng đăng ký vay vốn theo NĐ 67. Song, khi con tàu gặp nạn hư hỏng, cộng với thủ tục vay vốn đóng mới “thoáng” hơn cải hoán, nâng cấp nên sau khi tính toán, ông Nghĩa đã đóng mới con tàu có công suất 713CV, với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải ngư dân nào cũng mạnh dạn và đảm bảo vốn đối ứng 30% như ông Nghĩa. Vậy nên, đến thời điểm này, ngư dân có nhu cầu cải hoán, nâng cấp tàu vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo NĐ 67.
Bài, ảnh: MỸ HOA