Sản phẩm truyền thống lấy lại sức sống

08:04, 24/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng sản phẩm chế biến theo phương thức truyền thống. Đây là cơ hội để sản phẩm truyền thống phục hồi, tham gia vào thị trường tiêu dùng mà nhiều năm nay bị sản phẩm công nghiệp lấn át.

TIN LIÊN QUAN

Nước mắm sản xuất thủ công lên ngôi

Từ năm 2010 đến 2015, làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi, huyện Mộ Đức (có khoảng 400 cơ sở) rơi vào cảnh ế ẩm do phải cạnh tranh với nước mắm chế biến theo dây chuyền công nghệ hiện đại, mẫu mã đẹp, thương hiệu mạnh. Không ít chủ cơ sở ở Đức Lợi phải thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng hoạt động, chuyển đổi sang ngành nghề khác. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, với sự gia tăng thông tin về việc sử dụng chất phụ gia quá mức cho phép trong chế biến nước mắm công nghiệp, người tiêu dùng đã quay lại lựa chọn sản phẩm nước mắm Đức Lợi.

 Nước mắm Hồng Út (Đức Lợi, Mộ Đức) - sản phẩm làng nghề chuẩn bị xuất xưởng.
Nước mắm Hồng Út (Đức Lợi, Mộ Đức) - sản phẩm làng nghề chuẩn bị xuất xưởng.


Chị Bùi Thị Hồng Nga - Chủ cơ sở nước mắm Hồng Út ở thôn Kỳ Tân, cho biết: "Khoảng nửa năm nay, sức tiêu thụ nước mắm của cơ sở chúng tôi đã tăng trở lại. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở xuất bán hàng trăm thùng cho các tiểu thương, đặc biệt là cung ứng lên các huyện miền núi". Hiện đang là mùa thu mua nguyên liệu để chế biến, nhiều cơ sở nước mắm nổi tiếng ở Đức Lợi như Hồng Việt, Phát Hải, Khiêm Lan, Yến Phương, Hà Thảo, Hồng Út... thuê tàu ra tận các cảng trong tỉnh mua cá làm mắm. Hiện tại, giá bình quân một lít nước mắm ngon từ 20.000 - 25.000 đồng, cao gần gấp đôi một số loại mắm chế biến công nghiệp.

Theo chủ các cơ sở chế biến nước mắm ở Đức Lợi, hiện có rất nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc liên hệ đặt mua sản phẩm nước mắm chế biến theo cách truyền thống. Sản phẩm này được đưa đến các trường học, nhà trẻ, bếp ăn tập thể cơ quan, xí nghiệp... phục vụ nhu cầu bữa ăn hằng ngày.
 

"Các cơ sở nước mắm ở Đức Lợi đang cố gắng thực hiện các giải pháp nâng chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chúng tôi hy vọng, nước mắm chế biến theo cách truyền thống sẽ được ưa chuộng hơn trong thời gian đến".
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - chủ cơ sở nước mắm Hồng Út

Dầu ăn "thủ công" đắt hàng

Tại một số xã của huyện Đức Phổ như Phổ An, Phổ Khánh, Phổ Ninh... (Đức Phổ) dù đậu phụng còn đứng đồng nhưng đã có người đến đặt cọc thu mua. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng, ở thôn Thạch An, xã Phổ An cho biết: "Mua đậu phụng ép dầu bán chủ yếu là lấy công làm lời, chứ bây giờ nhiều người cũng  mua đậu phụng ép dầu".

Giá dầu phụng đầu mùa hiện đang dao động ở mức 100.000 - 120.000 đồng/lít, cao hơn gấp hai, ba lần so với giá dầu chế biến theo dây chuyền công nghiệp. Theo chủ các cơ sở chế biến thì dầu ép từ đậu phụng trồng trên đất cát ven biển có giá bán cao hơn khoảng 10.000 đồng so với đậu trồng ở vùng đất khác. Tuy nhiên, hiện tại người tiêu dùng ít quan tâm đến giá cả mà chỉ quan tâm đến chất lượng của dầu phụng.

Còn tại đảo Lý Sơn, do đậu phụng trồng trên cát biển, dưới thời tiết nắng nóng nên lượng tinh dầu thấp hơn. Vì thế dầu phụng của đảo giá bán thường cao hơn giá đất liền khoảng 15.000 đồng/lít, nhưng "cung không đủ cầu". Sự quay lại tìm mua sản phẩm dầu phụng ép thủ công sử dụng cho cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Sự hồi sinh cây đậu phụng trên các cánh đồng vì thế ngày một mạnh mẽ hơn.

Ngoài dầu phụng, hiện nay dầu mè cũng được người tiêu dùng tìm mua ngày càng nhiều cho dù giá khá cao, với khoảng hơn 200.000 đồng/lít. Với công dụng được các nhà nghiên cứu khẳng định có lợi cho sức khỏe, người tiêu dùng đã không ngần ngại chuyển từ dầu ăn công nghiệp sang các loại dầu mè. Những làng nghề chế biến dầu phụng, dầu mè một thời yên ắng nay lại khôi phục, hoạt động sôi động trở lại. Trong thời điểm mức độ mất an toàn thực phẩm gia tăng là cơ hội cho sản phẩm truyền thống lấy lại sức sống và cạnh tranh, đứng vững trên thị trường.      

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.