(Báo Quảng Ngãi)- Ba Trang là xã khó khăn nhất của huyện miền núi Ba Tơ. Thế nhưng, kể từ ngày phát triển nuôi trâu với số lượng lớn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất gian khó này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Phạm Văn Nhoi - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trang cho biết: "Hiện nay tổng đàn trâu của xã đã lên đến 2.100 con. Nhà nuôi nhiều nhất 40 con, nhà ít cũng 3- 5 con. Từ nuôi trâu, nhiều gia đình đã có thu nhập khá".
"Chuồng trâu 30 - 40 con"
Chúng tôi tìm đến một số gia đình nuôi trâu với số lượng đàn từ 30 - 40 con ở Ba Trang. Ông Phạm Văn Mân, thôn Con Riêng là người có đàn trâu 40 con. Ông Mân bảo: "Mình phải đi theo trâu ra đồng đến tối mới về. Con trâu quý lắm chứ! Nuôi dễ, bán có nhiều tiền. Ở đây chỉ có nuôi trâu mới giàu được thôi!". Mỗi năm ông Mân bán khoảng 5 - 7 con trâu, bình quân mỗi con 20 triệu đồng để cải thiện đời sống gia đình, mua thêm đất trồng keo, trồng mì...
Người dân Ba Trang chăn thả trâu trên đồi. |
Ở xã Ba Trang cứ sau 7 giờ sáng là thời điểm người dân mở cửa chuồng cho trâu đi ăn. Theo sau những đàn trâu lớn ấy là những nông dân Hrê. Họ là những người sống ở vùng đất khắc nghiệt này nên hiểu rõ đất Ba Trang thích hợp với việc nuôi trâu. Vì thế, nhiều gia đình đã mua trâu nuôi, chăm sóc, tích cóp qua nhiều năm từ một vài con trâu ban đầu đã trở thành đàn trâu lớn.
Chị Phạm Thị Bên, thôn Nước Tên khi lấy chồng cha mẹ cho 1 con trâu. Bây giờ nhà chị có đàn trâu hơn 16 con. Chị Bên cho biết: "Vừa rồi bán 2 con trâu mua xe máy, ti vi. Nuôi trâu là có tiền, có của để dành. Ở làng mình nhà nào nuôi trâu nhiều được xem là biết làm ăn. Nuôi con trâu để dành được, không ai tự dưng giết thịt trâu như con heo, con gà cả!".
Lập trang trại trâu xa làng Đàn trâu ở xã Ba Trang ngày càng gia tăng, với số hộ nuôi khá phổ biến đã buộc người dân phải di dời chuồng trâu đến điểm xa khu dân cư. Những hộ nuôi trâu ở thôn Làng Già đã di dời chuồng trâu lên đồi trống, tách bạch với khu cân cư. Rất nhiều chuồng trâu lợp tôn xi măng, xung quanh là hàng rào lồ ô như trang trại nuôi trâu tập trung. Phân trâu thải ra được cào dọn sạch sẽ, chất thành đống để cho hoai mục, rồi bón cho những đám rau lang, bắp, đậu xanh trồng xung quanh chuồng trâu. |
Mong mỏi từ địa phương
Việc nuôi trâu ở Ba Trang đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay người nuôi trâu đang gặp một số khó khăn. Ông Phạm Văn Ôn, thôn Con Riêng cho biết: Nuôi trâu nhiều thì không đủ thức ăn. Thả trâu vào rừng thì sợ lạc mất. Đưa vô rẫy thì sợ nó phá hoa màu, không có tiền đền". Việc dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu ở Ba Trang cũng gặp nhiều khó khăn vì diện tích ruộng lúa nước ít ỏi, lại nằm tận trong hóc suối nên vận chuyển rơm rạ rất khó. Người dân ở Ba Trang hiện cũng chưa biết tận dụng đất trống để trồng cỏ chăn nuôi trâu như các địa phương khác trong tỉnh. Bà Phạm Thị Bên - thôn Con Riêng cho biết: "Mình xem tivi thấy người ta trồng cỏ cho trâu bò ăn mà mình thì không biết mua giống cỏ ở đâu, trồng như thế nào. Mong có cán bộ về giúp dân mình trồng cỏ để nuôi trâu".
Ngoài ra, người dân Ba Trang chăn nuôi trâu vẫn theo hướng tự học hỏi lẫn nhau để phát triển kinh tế, chưa có kiến thức và nhận thức đúng đắn về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn trâu. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Nhoi - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trang cho biết: "Địa phương mong muốn quy hoạch vùng chăn nuôi trâu cho các thôn; trồng được cánh đồng cỏ chăn thả; được huyện quan tâm tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng cỏ, ủ thức ăn cho đàn gia súc để dự trữ vào mùa mưa và tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc".
Việc phát triển đàn trâu ở Ba Trang đã được huyện Ba Tơ đưa vào một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập cho nông dân. Ông Trần Trung Triết - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: "Huyện sẽ nhân rộng mô hình nuôi trâu theo đàn với số lượng lớn như ở Ba Trang. Việc triển khai sẽ bắt đầu từ năm 2016. Mục tiêu là tăng thu nhập cho nông dân, từng bước hình thành trang trại trâu trên đất Ba Tơ".
Bài, ảnh: THANH NHỊ