Chữa bệnh "nan y" cho cây quế

10:04, 29/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Bệnh tua mực từ lâu được người trồng quế ví là bệnh “nan y” vì không có phương pháp cứu chữa. Sau 3 năm vào cuộc nghiên cứu, cơ quan chức năng đã tìm ra nguyên nhân và cách phòng tránh hữu hiệu cho bệnh “nan y” này. 

TIN LIÊN QUAN

Đã tìm ra “thủ phạm”
 
Trà Bồng tự hào được mệnh danh là vùng đất quế. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nó còn được bà con người Cor gọi là cây thiêng. Cây quế Trà Bồng là một trong những đặc sản được xác lập kỷ lục Châu Á.
 
Thế nhưng, từ năm 2008-2014, nhiều bà con quay lưng với cây quế để trồng các loại cây lâm nghiệp khác như keo, mì vì có giá trị kinh tế cao hơn. Song với giá quế xuống thấp, bệnh tua mực hoành hành trên cây quế là nguyên nhân khiến nhiều bà con nản lòng.
 
Bệnh tua mực là loại dịch hại nguy hiểm nhất trên cây quế. Trong năm 2013, diện tích quế bị bệnh tua mực trên toàn huyện là 275 ha, cục bộ nơi cao trên 30%, gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây quế.
 
 
Cây quế bị bệnh tua mực dẫn đến chết cả cây.
Bệnh tua mực trên cây quế.

 

Lúc đầu trên thân, cành quế xuất hiện các u sần, sau đó các u bướu phát triển nhanh và mọc ra các tua dài giống như tua mực. Cây quế bị bệnh này còi cọc, chậm lớn, lượng tinh dầu trong cây quế giảm rất nhiều. 

Bệnh xuất hiện trên cây quế chủ yếu vào tháng 9 hằng năm và khi mùa khô đến thì các tua mực khô lại, làm cho cây quế không phát triển tự nhiên và phát triển ra nhánh, rất khó thu vỏ khi thu hoạch, năng suất giảm rất nhiều, thậm chí nhiều cây bị chết, không có khả năng cho thu hoạch vỏ. Người trồng quế ví dịch bệnh này là bệnh "nan y" không tài nào chữa được.
 
Ông Hồ Văn Minh, ở thôn 5, xã Trà Thủy có hơn 1.000 gốc quế trồng đã 10 năm tuổi, nhưng 1/3 diện tích ấy đã bị chết vì bệnh tua mực, vô phương cứu chữa. 
 
Lúc đó, giá quế lại tụt xuống đến chóng mặt, chưa tới 6.000 đồng/kg, một cây quế giá trị chỉ bằng một phần mười cây keo nên ông nản lòng muốn chặt bỏ vườn quế, nhưng chặt rồi lại thấy tiếc cây quế đã gắn bó với gia đình ông tự bao đời này.
 
 

Cây quế bị bệnh tua mực chết cả cây.

 

Bỏ thì thương, vương thì tội, quế bị bệnh tua mực đã khiến người trồng quế một thời lao đao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển vùng quế nguyên liệu trên địa bàn. Theo những nghiên cứu trước đây, bệnh này do vi khuẩn Agrobacterium tumifacien gây ra, nhưng thực tế khi sử dụng các loại thuốc đặc trị vi khuẩn này lại không hiệu quả.

Sau 3 năm (2011- 2014) vào cuộc thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại quế và nghiên cứu ứng dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp trên cây quế”, nhóm nghiên cứu của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tìm ra “thủ phạm” và những giải pháp hạn chế tác hại của dịch bệnh này. 
 
Nhóm nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh tua mực hại quế là Phytoplasma (dịch khuẩn bào, đây là loại sinh vật trung gian giữa vi khuẩn và vius). Với đặc điểm Phytoplasma không truyền qua hạt giống và vết thương cơ giới, chỉ qua môi giới là loài rệp vảy ống Aulacaspis và không có thuốc đặc trị. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá xuất sắc.
 
Vực dậy cây quế
 
Theo ông Hồ Ngọc Đài- Trạm Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Trà Bồng, bệnh này khi cây quế đã nhiễm, không thể chữa trị được, chỉ phòng bệnh bằng cách áp dụng đúng quy trình canh tác và phun thuốc đặc trị diệt loài rệp vảy ống Aulacaspis là côn trùng môi giới truyền Phytoplasma. 
 
 
Đề tài thành công đã giúp Trà Bồng vực lại cây quế.
Đề tài thành công đã giúp Trà Bồng vực dậy cây quế.
 
 
Trạm đã tổ chức tập huấn thông tin đến toàn dân ở 9 xã trong huyện về tầm quan trọng, cách phòng ngừa loại bệnh này. Hàng tuần, Trạm tổ chức điều tra dịch bệnh và thông báo đến nhân dân để tổ chức các biện pháp phòng trừ. 
 
Ông Hồ Văn Minh phấn khởi: “Từ ngày có cơ quan chức năng xử lý và tuân thủ theo quy trình khuyến cáo, tôi thấy số quế còn lại không bị bệnh này nữa, năng suất cao hơn hẳn. Tôi định mùa tới thu hoạch keo sẽ trồng quế trên diện tích cao, còn diện tích dưới thấp mới trồng lại keo”.

Cũng như ông Minh, năm vừa rồi ngoài số lượng quế được Nhà nước hỗ trợ, ông Hồ Văn Kính, ở thôn Cả, xã Trà Hiệp đã bỏ ra 10 triệu đồng mua thêm cây giống về trồng.

“Thời điểm quế bị bệnh đại trà, tui chỉ muốn chặt vứt đi cho xong, rồi nghĩ lại nó là cây trồng truyền thống. Từ xa xưa, ông bà cha mẹ thường bảo nó là cây thiêng của người Cor nên mình vẫn duy trì trồng kiểu đa cây, lấy ngắn nuôi dài. Giờ bệnh “nan y” đã chữa được rồi, tui không còn lo lắng nữa”- ông Kính bộc bạch.
 
Hiện nay, giá quế tăng trở lại, 16.000 đồng/kg cùng với bệnh “nan y” trên cây quế đã được kiểm soát nên nhân dân an tâm, không ít gia đình đã quay trở lại với cây quế, phá bỏ diện tích keo trên núi cao để trồng lại cây quế. Đề tài nghiên cứu thành công là tín hiệu vui, tìm ra lối thoát, vực dậy cây quế sau bao nhiêu năm lao đao, có lúc tưởng chừng bị “khai tử”.
 

Với đặc điểm Phytoplasma không truyền qua hạt giống và vết thương cơ giới, chỉ qua môi giới là loài rệp vảy ống Aulacaspis và không có thuốc đặc trị. Vì thế, cơ quan chức năng khuyến cáo người trồng quế cần áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp, cây con sạch bệnh, mật độ trồng không quá dày, chăm sóc, bón phân, tỉa cành đúng định kỳ.

Diệt nguồn môi giới truyền bệnh rệp ống bằng cách cắt bỏ, tiêu hủy các đoạn cành quế non có rệp, nếu mật độ rệp ống cao thì dùng 1 trong các loại thuốc trừ rệp Actara 25WG, Midan 10WP,  Chess 50WP… phun trừ triệt để.

 

 
Bài, ảnh: Chấn Phong
 

.