(Baoquangngai.vn)- Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế- xã hội của đồng bào vùng cao ngày càng thay đổi, nỗ lực chuyển dần từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Thế nhưng, giúp đồng bào vùng cao tìm “đầu ra” bền vững cho sản phẩm nông sản của mình, nhất là những mặt hàng nông sản đặc thù, từ đó có thể tự vươn lên thoát nghèo vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Tiêu thụ chủ yếu qua thương lái
Được chính quyền địa phương huyện Tây Trà kỳ vọng là “cây xóa đói giảm nghèo”, những năm trước thông qua qua các nguồn vốn hỗ trợ 30a, 135… huyện miền núi Tây Trà đã trích hàng trăm triệu đồng để cấp hàng nghìn gốc chuối giống cho bà con đồng bào Cor ở địa phương để phát triển mô hình trồng chuối.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết 9 xã của huyện Tây Trà đều có trồng chuối với diện tích lên đến hàng chục ha. Với đặc thù là loại cây dễ trồng, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, phù hợp với trình độ sản xuất của người dân ở các xã vùng cao Tây Trà, nên khi đưa vào trồng chính quyền địa phương và người dân tin tưởng cây chuối là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần giúp đồng bào người Cor cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Song, sự kỳ vọng này lại bị “tắc” bởi vần đề “đầu ra” cho cây chuối. Vì điều kiện đường sá xa xôi, hiện tại, đầu ra của chuối chỉ phụ thuộc vào các tiểu thương đang kinh doanh tại Tây Trà mua để chuyển về xuôi tiêu thụ. Không có đầu ra ổn định, không có một cơ quan nào kiểm soát giá cả… nên cây chuối khi thu hoạch người dân bị thương lái ép giá, mua với giá rẻ. Thậm chí nhiều hộ gia đình ở xa đi lại khó khăn, không bán được chuối khi thu hoạch. Mặc dù biết giá bán thấp, bà con vẫn bán, vì không bán thì không có tiền để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày.
Ông Hồ Văn Vàng ở xã Trà Thọ chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 200 cây chuối, nhưng đầu ra quá bấp bênh, phần lớn chờ các thương lái đến mua, giá rất thấp nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Có lúc cả buồng chuối chỉ đổi được bó rau, con cá… Dù biết bị ép giá nhưng bà chúng tôi cũng đành chịu, vì những thứ này không bán cho thương lái thì mình chẳng biết bán cho ai.
|
"Đầu ra" cho cây chuối Tây Trà phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái |
Tình trạng tương tự cũng đang diễn với cây chè ở xã Trà Nham (Tây Trà). Là cây trồng truyền thống từ bao đời nay của đồng bào Cor ở dưới chân núi Cà Đam, ước tính trước đây diện tích chè ở đây có thời điểm lên đến cả hàng trăm ha, thế nhưng do đầu ra “nhỏ giọt” nên diện tích cây chè ngày càng giảm dần, giờ chỉ còn khoảng 40ha.
Ước tính, bình quân, mỗi ngày có khoảng 1 tấn chè lá tươi của người dân Trà Nham bán ra thị trường. Song, việc tiêu thụ chè hoàn toàn phụ thuộc vào tiểu thương dưới xuôi lên thu mua dẫn đến việc nhiều tiểu thương ép giá. “Giá một bó chè to bằng một vòng tay người lớn chỉ bán được 10.000 đồng nhưng không phải ngày nào thương lái họ cũng mua. Tiếc lắm nhưng cũng phải bán để đổi lấy thực phẩm tươi sống chứ để uống cũng không hết, cho thì không ai lấy vì nhà nào cũng có chè cả rồi”- ông Hồ Văn Sắt ở thôn Trà Vân, xã Trà Nham cho biết.
Quả thực, thu nhập từ cây chè vẫn chưa đảm bảo được cho cuộc sống của người dân đã khiến cho nhiều người dân ở Trà Nham lúng túng và phân tán tư tưởng trong trồng và chăm sóc cây chè. Không ít người dân đành phải phá bỏ những rẫy chè hàng chục năm tuổi để trồng các loại cây khác mang lại nguồn thu nhập cao hơn.
Trước thực tế này, để hồi sinh cây chè và bảo tồn giống chè quý của địa phương và đưa cây chè trở thành cây trồng thế mạnh của xã, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế. Những năm trước đây, từ nguồn vốn của chương trình 30a, xã Trà Nham cũng đã triển khai thực hiện phương án "Hỗ trợ phát triển cây chè địa phương" và bước đầu đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, vấn đề “đầu ra” cho cây chè vẫn đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương.
|
Cây chè khi thu hoạch, người nông dân cũng chỉ biết bán cho thương lái |
Còn ở huyện miền núi Sơn Tây, với diện tích lên đến hàng nghìn ha, cây cau là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, nhằm góp phần cải thiện đời sống của người dân. Song, cũng như nông dân ở các địa phương khác, người trồng cau ở Sơn Tây rất thiệt thòi khi hoàn toàn phụ thuộc thương lái và thị trường xuất khẩu vốn rất bấp bênh.
Giá cau ở vùng miền núi này luôn trong tình trạng bấp bênh. Có những mùa vụ, thị trường cau xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc chững lại, các thương lái lại đồng loạt giảm giá làm cho người trồng cau rơi vào cảnh lao đao, cau bán không ai mua nên người trồng phải bỏ cau chín rục, rơi rụng đầy gốc, thậm chí chặt bỏ để trồng cây khác hiệu quả hơn. Thế nhưng lúc cau "lên dốc", thì thương lái đua nhau vào tận rẫy, vườn thu mua cả cau non với giá cao ngất ngưỡng, tạo cơn sốt giá ảo. “Đầu ra” không ổn định đã khiến không ít người nông dân trồng cau không ít phen phải lao đao vì cây cau.
Có thể nói, đối với bà con đồng bào dân tộc miền núi, việc nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả đã khó, đi tìm “đầu ra” ổn định cho chúng lại càng chẳng dễ chút nào. Người dân cắm cúi trồng cả năm tới lúc thu hoạch thì không biết bán như thế nào, bán cho ai. Họ hoàn toàn “mù” về thông tin thị trường, đặc biệt là giá cả, số lượng, nhu cầu nên phải phụ thuộc vào thương lái.
Cần tìm “đầu ra” bền vững
Trong 5 năm qua, để góp phần giúp người dân miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, từ các nguồn vốn các chương trình khác nhau, các huyện miền núi trong tỉnh đã hỗ trợ mua con giống, cây giống, vật tư chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi với tổng kinh phí trên 124 tỷ đồng; đồng thời, hỗ trợ 100% giống, vật tư cho xây dựng các mô hình khuyến nông, lâm, ngư với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng cho người dân. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều gia đình đã có đời sống ổn định hơn trước. Song, vẫn chưa có nhiều hộ vươn lên làm giàu được do giá trị nông sản mang lại cho nông dân chưa cao.
Với nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được huyện miền núi hỗ trợ cho các hộ dân theo tính toán của các địa phương thì người dân hoàn toàn có thể phát triển kinh tế đảm bảo được cuộc sống. Tuy nhiên, có một thực tế là vai trò của chính quyền trong việc định hướng giúp người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn rất mờ nhạt.
Hiện, các cấp chính quyền ở nhiều địa phương mới chỉ dừng lại ở khâu hỗ trợ giống, kỹ thuật chứ chưa lo được “đầu ra” và bảo vệ quyền lợi của bà con, dẫn đến tình trạng sản phẩm nông sản của người dân làm ra thương lái thường xuyên ép giá. Sản phẩm bà con làm ra nhưng lại không làm chủ được giá bán mà chính hệ thống thương lái với nhiều cấp trung gian là những người quyết định giá nên lợi nhuận thu về lại không được như mong muốn.
Trăn trở về bài toán “đầu ra” cho các sản phẩm nông sản đặc thù tại các huyện miền núi, tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 3, khóa XIX, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh bày tỏ: Vấn đề “đầu ra” cho các cây trồng đặc thù ở các huyện miển núi khá bấp bênh và giá cả các nông sản đều do thương lái quyết định. Chẳng hạn như Trà Bồng là địa phương có diện tích quế lên đến hàng nghìn ha, song, hiện nay trên địa bàn chỉ có 1 doanh nghiệp thu mua quế vỏ trên địa bàn cho nên giá cả mua bao nhiêu chủ yếu là do doanh nghiệp này quyết định. Các cơ sở chế biến khác người ta cũng chỉ là thu mua cành là quế và thu mua nhỏ lẻ vỏ quế.
Theo ông Thịnh, thậm chí, thương lái ép giá, thu mua trong nông dân với giá rẻ , nhưng trong khi đó, thương lái bán sản phẩm nông sản này cho người tiêu dùng thì giá lại tăng vọt là một bất cập. “Để người dân miền núi có được đầu ra ổn định cho cây trồng và bán với giá cao, rất mong tỉnh có những giải pháp, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với nhau để cùng tháo gỡ những khó khăn, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm cây trồng đặc thù ở miền núi”- ông Thịnh kiến nghị.
Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn hỗ trợ thành lập hợp tác xã và các tổ hợp tác ở các địa phương miền núi. Bởi. qua thực tiễn cho thấy, thì việc tổ chức cho người dân sản xuất theo các tổ hợp tác thì năng suất sẽ được nâng cao, đặc biệt là nhận thức của người dân được nâng lên. Đồng thời, thông qua các Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất sẽ góp phần kết nối giữa người dân với doanh nghiệp và người dân với thị trường bên ngoài tốt hơn. Hợp tác xã sẽ ở vai trò trung gian chuyển tiếp, hộ nông dân vừa là xã viên Hợp tác xã vừa là người được hưởng lợi trực tiếp các người lợi của Nhà nước.
|
Cuộc sống của người dân miền núi dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn |
Cũng giống như sản xuất hàng hóa công nghiệp, tiêu dùng, thị trường "đầu ra" luôn là mối quan tâm của người nông dân. Họ cũng muốn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng phải ổn định lâu dài, nếu sản phẩm làm ra không bán được thì coi như khó khăn tăng lên gấp bội. Nhiều người dân ở các huyện miền núi chia sẻ rằng, với điều kiện tự nhiên và sự hỗ trợ lớn của Nhà nước, nếu vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm nông lâm sản của họ được ổn định thì chắc chắn họ có thể vươn lên làm giàu từ việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Với họ việc chặt cây này trồng cây khác cũng là “cực chẳng đã”.
Làm thế nào để có “đầu ra” và thị trường ổn định cho các sản phẩm nông sản của người dân; đồng thời thu hút được các doanh nghiệp chung tay cùng với chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thật sự đang là bài toán khó cần tìm lời giải từ các các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bảo Ngọc