(Báo Quảng Ngãi)- Theo dự báo, năm 2016 xuất khẩu thủy sản (XKTS) của Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng sẽ thuận lợi hơn, nhất là khi sự hội nhập thương mại quốc tế mở rộng. Tuy nhiên, với những rào cản thương mại mới buộc các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này nếu muốn ổn định, phát triển phải thay đổi, thích nghi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lợi thế
Từ năm 2013 - 2015, doanh thu XKTS của Quảng Ngãi năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, năm 2015 doanh thu đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 8,5% so năm 2014. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2016, XKTS của DN trong tỉnh đạt khoảng 3,3 triệu USD, tăng hơn 17% so cùng kỳ năm trước. Trong khi tình hình XKTS của cả nước năm 2015 rơi vào tình cảnh ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, thì XKTS của Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng ổn định.
Thương lái thu mua cá ngừ đại dương để xuất khẩu. |
Một số chủ DN XKTS trong tỉnh cho biết, năm 2015 đồng tiền của các nước nhập khẩu chính mất giá, sự biến động tỷ giá USD và đồng Nhân dân tệ so với các tiền tệ khác, trong khi giá thành sản xuất một số thủy sản của Quảng Ngãi đứng ở mức cao. Thế nhưng, do nguồn hàng chất lượng, phù hợp với thị trường nước ngoài nên hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng.
Trước tình hình người tiêu dùng trong và ngoài nước cho rằng, loài thủy sản như tôm, cá tra của Việt Nam nuôi chưa đảm bảo quy trình, sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thì hải sản đánh bắt từ nguồn tự nhiên trên biển được ưa chuộng hơn. Vì thế, năm 2015 xuất khẩu hải sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương của ngư dân Quảng Ngãi tăng vọt.
Khi hải sản vừa đánh bắt đưa vào bờ, các cơ sở thu mua phân loại, đưa đi tiêu thụ. Hàng đạt tiêu chuẩn xuất bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu đi thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản được ưu tiên hàng đầu vì giá cao. Hàng còn lại, kể cả là hải sản phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi được xuất sang các thị trường dễ tính hơn, chủ yếu là Trung Quốc.
Thích ứng với nhu cầu thị trường
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Quảng Ngãi ngoài hải sản thì các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này cũng rất nhạy bén, tích cực chào hàng, kể cả các mặt hàng không phải là cao cấp, đặc sản. Từ năm 2014 đến nay, nhiều DN XKTS đã xuất bán cả cá cơm khô, ruốc khô, cá nục khô đi một số thị trường bình dân như Đài Loan, Trung Quốc. Đây là những sản phẩm chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bữa cơm hằng ngày cho người dân vùng nông thôn và công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Mẹo, xã Bình Châu (Bình Sơn), chủ cơ sở thu mua các loại hải sản chế biến khô xuất đi Đài Loan cho biết: "Mình có sản phẩm gì chào hàng sản phẩm ấy. Đối tác thấy chấp nhận được thì ký hợp đồng cung ứng. Nói chung Đài Loan, Trung Quốc là thị trường dễ tính, tuy lợi nhuận thì không bằng mấy nước khác".
Năm 2016, năng lực XKTS, đặc biệt là nguồn hàng hải sản xuất khẩu của Quảng Ngãi được cho là gia tăng hơn những năm trước. Lý do là đội tàu đánh bắt xa bờ của Quảng Ngãi ngày càng được đóng mới, cải hoán nâng công suất. Với phương tiện đánh bắt hiện đại, việc khai thác hiệu quả hơn. Năm 2015, sản lượng khai thác hải sản đạt gần 168 nghìn tấn, tăng gần 8% so năm 2014. Năm 2016 dự kiến sản lượng đánh bắt tăng khoảng 10%, trong đó hải sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm khoảng 40%.
Khó khăn trong XKTS của Quảng Ngãi hiện nay là thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ xúc tiến thương mại. Hoạt động xúc tiến thương mại dường như vẫn chỉ do DN tự lực là chính, trong khi năng lực của DN lại có hạn. Các chủ DN XKTS cho rằng, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ DN tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường, thích nghi với hội nhập thương mại quốc tế. "Đặc sản hải sản nếu đến được thị trường hấp dẫn giá cả sẽ cao hơn, góp phần cải thiện đời sống công nhân, ngư dân, giúp DN đứng vững trong xu hướng hội nhập" - ông Bùi Văn Tài, chủ cơ sở thu mua, chế biến hải sản Mẫu Bình ở xã Bình Châu nêu ý kiến.
Bài, ảnh: THANH NHỊ