Ươm mầm xanh cho những cánh rừng

02:03, 25/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mười năm trở lại đây ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) nở rộ nghề ươm keo lai giống cung ứng cho các nơi trồng rừng với hàng trăm hộ nông dân đầu tư thực hiện các mô hình.

TIN LIÊN QUAN

Nghề ươm keo lai giống được nhiều người dân Bình Hiệp biết đến từ rất sớm, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới phát triển mạnh mẽ. Ban đầu chỉ có vài ba hộ gia đình làm nghề ươm keo, nhưng đến nay thì có tới hơn 125 hộ, tập trung nhiều nhất trên địa bàn xóm Mỹ Đông, thôn Liên Trì.

Vườn ươm của ông Lê Văn Cần, ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn).
Vườn ươm của ông Lê Văn Cần, ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn).


Ông Lê Văn Cần, một trong những gia đình có nguồn thu nhập rất cao từ việc ươm keo và cũng là người tiên phong mở đầu mô hình giâm hom tại thôn Liên Trì cho biết: “Tôi làm nghề này mười mấy năm rồi, những năm trước còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chưa cao lắm. Nhưng năm vừa rồi tôi làm tổng cộng gần 1 triệu cây cũng không đủ bán. Với số lượng cây giống bán ra, trừ các khoản chi phí tôi còn lãi gần 200 triệu đồng".

Không chỉ riêng gia đình ông Cần mà rất nhiều hộ gia đình khác ở Bình Hiệp năm vừa rồi cũng thắng lớn nhờ nghề ươm keo. Như các hộ Nguyễn Văn Dân, Trần Ngọc Hiền... cũng  có thu nhập cao từ nghề này. Thu nhập bình quân của mỗi gia đình khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm. Thậm chí, có nhiều hộ thu nhập tới vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Cũng nhờ mô hình trên mà nhiều lao động địa phương đã có thêm việc làm. Trung bình mỗi hộ ươm keo giống giải quyết việc làm cho khoảng 3 lao động. Tuy nghề này là phụ, nhưng mang lại thu nhập khá ổn định.

Nhận thấy giá trị từ mô hình ươm keo đem lại, giờ đây phần lớn các hộ dân ở xóm Mỹ Đông đều sử dụng đất của mình để làm vườn ươm. Các hộ cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật  cho nhau để phát triển bền vững. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, năm 2013 đã tổ chức một khóa tập huấn về việc sử dụng khoa học kỹ thuật vào việc ươm keo, góp phần nâng cao chất lượng cây keo, giúp bà con có kinh nghiệm trong việc chăm sóc. Đặc biệt, trước đây một số hộ dân còn được Công ty Giống lâm nghiệp miền Trung hỗ trợ nguồn cây giống, hy vọng sẽ đem lại năng suất cao hơn.

 Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp cho biết: “Doanh thu năm vừa rồi của nghề ươm keo ở xã gần 20 tỷ đồng. Trừ hết mọi chi phí bà con thu lãi gần 11 tỷ đồng. Đây là một thành công lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mô hình ươm keo giống đã giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, còn góp phần đáp ứng nhu cầu cung ứng cây giống cho công tác trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh”.

Bài, ảnh: Võ Lý

 


.