(Baoquangngai.vn)- Nhằm đưa sản phẩm gỗ của người nông dân vươn ra thị trường Châu Âu, Liên minh HTX tỉnh đang thực hiện dự án hỗ trợ trồng rừng theo mô hình cấp chứng chỉ rừng liên Châu Âu PEFC. Đây là một bước tiến dài trong ngành sản xuất lâm nghiệp ở Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dự án hỗ trợ trồng rừng do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Ngoại giao Hà Lan đồng tài trợ và được tổ chức FFD và AgriCord thực hiện. Tại Quảng Ngãi, HTX nông nghiệp Thọ Trung (Tịnh Thọ, Sơn Tịnh) và HTX nông nghiệp Hành Dũng (Nghĩa Hành), là hai đơn vị thực hiện thí điểm dự án từ năm 2014 đến nay.
Nâng cao ý thức trồng rừng bền vững
Có dịp đến thăm khu rừng keo rộng 5.000 mét vuông của ông Nguyễn Văn Trình ở xóm 1, thôn Thọ Trung, ai cũng phải trầm trồ ngạc nhiên. Khác với cách trồng rừng truyền thống xưa nay thường lộn xộn, các cây lớn bé chen chúc mọc trên diện tích hẹp, khu rừng keo lá tràm của ông Trình thông thoáng, thẳng tắp và phát triển nhanh, đều.
“Trồng rừng theo chuẩn PEFC có lợi vậy đó. Các cây đều cách nhau khoảng cách 1,8-2m. Mọi cây cong, sâu đều phải được loại bỏ. Có diện tích thông thoáng nên chỉ mới 2 năm tuổi mà cây nào, cây nấy đều to, cao hơn hẳn so với những khu rừng keo trồng theo kiểu truyền thống trong vùng”- ông Trình tự hào nói.
Rừng được trồng theo cách tỉa thưa, quy định theo chuẩn PEFC, phát triển đồng đều và nhanh hơn |
Là thành viên của HTX nông nghiệp Thọ Trung, lúc đầu, ông Trình còn băn khoăn với câu hỏi liệu có nên trồng rừng theo tiêu chuẩn PEFC như Liên minh HTX tỉnh khuyến cáo. Vì theo chuẩn này, với diện tích 1 ha, chỉ có thể trồng khoảng 1.700 cây. Trong khi đó, trồng theo kiểu thông thường, có thể chen được khoảng 2.500 cây. Tuy nhiên, sau khi đem lên bàn cân tính chuyện thiệt hơn, ông Trình vẫn quyết tâm trồng rừng theo cách tỉa thưa đúng như quy định chuẩn PEFC.
“Ban đầu nghe thì có vẻ rắc rối thật. Nhưng tôi vẫn làm vì sau này sẽ thu về nhiều điều có lợi. Nếu tuân thủ đúng chuẩn PEFC, sau khoảng 5-8 năm, khi thu hoạch rừng, tôi có thể thu lợi nhuận tới 2,5 triệu đồng/tấn gỗ xẻ, thay vì chỉ 1,1 triệu đồng/tấn như hiện nay”- ông Trình chia sẻ thêm.
Chính vì hiểu được những lợi ích từ việc trồng rừng theo chuẩn mới, không riêng gia đình ông Trình, mà có hơn 40 hộ gia đình khác ở HTX Thọ Trung quyết định đăng ký trồng diện tích 60ha rừng, với kỹ thuật trồng nghiêm ngặt.
Phải dùng từ “nghiêm ngặt” để nói đến kỹ thuật trồng rừng PEFC, bởi người trồng rừng phải thuân theo rất nhiều quy định từ việc chọn cây giống sạch bệnh, đến việc trồng tỉa thưa và chăm sóc, quản lý rừng. “Nông dân trước khi thực hiện phải được tập huấn kỹ càng. Trồng rừng chuẩn PEFC nghiêm cấm việc đốt thực bì nhằm giúp đất giữ được lớp dinh dưỡng cần thiết để nuôi cây. Bên cạnh đó, rừng chỉ được khai thác sau 5 năm trồng để lấy gỗ xẻ”- ông Nguyễn Văn Hoàng- Chủ nhiệm HTX Thọ Trung cho biết.
Một khi người nông dân quyết định chọn trồng rừng tuân thủ theo chuẩn PEFC thì có nghĩa rằng, họ đã rất có ý thức phát triển rừng theo hướng bền vững. Bởi, theo cách này, tập quán khai thác gỗ non theo kiểu ăn xổi sẽ chấm dứt, cùng với đó, lớp thực bì được giữ gìn cẩn thận. Từ đó, môi trường sinh thái sẽ được bảo vệ. Nguồn nước ngầm cũng được bảo quản dưới lòng đất nhờ rễ cây giữ lại, nhằm hỗ trợ người nông dân trồng rừng trong những năm tiếp theo.
Hướng đến chuẩn PEFC
Hiện hai đơn vị HTX nông nghiệp Thọ Trung và Hành Dũng đang triển khai trồng khoảng 400ha rừng theo chuẩn PEFC với hơn 150 hộ tham gia. Các hộ nông dân này cũng được cử đi tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và cam kết trồng rừng đúng chuẩn.
Theo Dự án hỗ trợ trồng rừng, nông dân sẽ được hỗ trợ từ giống cây, kỹ thuật chăm sóc và quản lý rừng |
Giai đoạn 2016-2017, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ trồng rừng cho 10 đơn vị HTX khác tại 4 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức và Nghĩa Hành với diện tích hơn 600 ha. “Để được cấp chứng chỉ trồng rừng liên Châu Âu PEFC, Liên minh HTX tỉnh phải tập hợp được khoảng 1.000-2.000 ha rừng được trồng theo đúng kỹ thuật mà tổ chức này đã quy định. Do đó, chúng tôi định hướng các HTX trồng theo chuẩn với hơn 1.000ha tại các huyện này để được cấp chứng chỉ trong vòng 5-10 năm tới”- ông Phạm Hoài Nam- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết
Chứng chỉ PEFC một khi được cấp cho các hộ nông dân trồng rừng thuộc các HTX, đây sẽ là giấy thông hành khẳng định chất lượng rừng cao, được khai thác hợp pháp và có thể xuất đi thị trường Châu Âu- một thị trường vốn có tiếng khó tính bấy lâu nay. “Rừng theo chuẩn PEFC có giá trị cao hơn 30% so với rừng thường. Hơn nữa, một khi đã được cấp chứng chỉ, thì người nông dân trồng rừng không còn phải nơm nớp lo đầu ra và tình trạng bị thương lái ép giá”- ông Nam chia sẻ thêm.
Để hạn chế việc người trồng rừng thuộc dự án khai thác non trước thời hạn 5 năm, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng đã ra đời. Nông dân khi thiếu vốn trang trải có thể vay từ nguồn quỹ này với lãi suất ưu đãi và trả sau khi thu hoạch rừng. Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm lâm nghiệp cũng sẽ được thành lập để hỗ trợ cho những diện tích rừng bị hư hại do thiên tai.
Việc trồng rừng theo chuẩn thế giới thực sự là một bước tiến dài trong ngành sản xuất lâm nghiệp. Xóa bỏ tình trạng trồng rừng theo kiểu tự phát, không áp dụng khoa học kỹ thuật, người nông dân đang tiến gần đến cánh cửa bước ra thế giới với những sản phẩm gỗ chất lượng. Trong thời kỳ hội nhập, việc trồng rừng không thể đơn giản chỉ làm theo quán tính, kiểu “ăn xổi”, chỉ thấy được lợi ích trước mắt. Trồng rừng còn phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái, giúp phát triển rừng bền vững. Dưới sự hỗ trợ của dự án, nhiều người nông dân đã dần nhận thức rõ điểm mấu chốt này.
Bài, ảnh: Thanh Phương