Đi biển là lẽ sống

09:03, 10/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là suy nghĩ của nhiều ngư dân Quảng Ngãi. Bởi với họ, vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản không chỉ để phát triển kinh tế gia đình mà đó còn là trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương.

TIN LIÊN QUAN

Biển cho khoang thuyền đầy cá

Non trưa, chiếc tàu cá mang biển hiệu QNg – 96627 TS của ngư dân Võ Văn Thành, xã Bình Châu (Bình Sơn) cập bến. Vừa chuyển cá từ khoang tàu xuống, anh vội hối thúc anh em chuẩn bị dầu, đá, thực phẩm... để đi chuyến biển tiếp theo. Chỉ mới đầu năm nhưng việc ra khơi đánh bắt hải sản gặp nhiều thuận lợi. Bằng chứng là sau mỗi chuyến tàu về, cá đầy khoang và thu nhập của tất cả các anh em đều ổn định. “Mùa này cá nhiều, chỉ cần chịu khó cho tàu đánh bắt thường xuyên là có cá. Đánh gần bờ kiếm ít vốn rồi mới đi đánh bắt ở Trường Sa, Hoàng Sa. Ngư trường truyền thống mình cứ đánh bắt không phải ngại”, anh Thành bày tỏ.

Niềm vui của ngư dân sau chuyến biển đầu năm.
Niềm vui của ngư dân sau chuyến biển đầu năm.


Giống như ngư dân ở Bình Châu, anh Huỳnh Tấn Sỹ, chủ tàu cá QNg – 98755TS công suất 50CV ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) những ngày đầu năm đã rất nhiều lần mang cá từ biển khơi về. “Cứ mỗi lần đi về như vậy thì đánh bắt ít nhất cũng từ 5 – 7 tấn cá. Trừ các khoản chi phí thì anh em cũng kiếm được trên dưới chục triệu đồng”, anh Sỹ hồ hởi.

 Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ, chỉ trong hai tháng đầu năm  toàn huyện đã đánh bắt được gần 7 nghìn tấn cá. Ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: “Từ đầu năm đến nay, việc đánh bắt cá của ngư dân Đức Phổ khá thuận lợi. Chính quyền cũng đã tạo điều kiện để họ tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay và tổ chức thành lập các tổ, đội đánh bắt trên biển. Đến nay, toàn huyện đã có gần 300 tổ đội, 2 hợp tác xã đánh bắt xa bờ và 4 nghiệp đoàn nghề cá. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để ngư dân có thể tương trợ, giúp đỡ nhau mỗi khi đánh bắt ngoài khơi xa”.

Trách nhiệm với biển khơi

Trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, ngư dân Quảng Ngãi thường xuyên phải đối mặt với những ẩn họa khó lường. Đã có không ít chủ tàu rơi vào cảnh trắng tay vì bị  tàu nước ngoài  tấn công ngay trên ngư trường truyền thống của mình. Dù vậy, ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên trì bám biển, góp phần khẳng định và bảo vệ  vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Mặt khác, sự quan tâm, đầu tư của nhà nước  đã phần nào khích lệ tinh thần cho tất cả ngư dân. Vừa qua, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng (TP. Hải Phòng) đã bàn giao chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QNg – 90999TS cho ngư dân Võ Văn Hân, ở xã Bình Châu là một minh chứng cụ thể nhất.

 Đích thân “cầm trịch”  con tàu sau chuyến đi biển đầu tiên về, anh Hân bày tỏ: “So với trước đây thì bây giờ hiệu quả đánh bắt rất cao. Nhờ các thiết bị hiện đại mà mình có thể định vị, thăm dò các luồng cá lớn chính xác”. Giống như anh Hân, ngư dân Ngô Quốc Vũ, xã Phổ Quang cũng vậy. “Mỗi lần đi biển thì tất cả các anh em trên thuyền đều nêu cao tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn. Ngoài ra, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng được đông đảo ngư dân đề cao tinh thần trách nhiệm của mình và quyết tâm trong việc đánh bắt, hành nghề trên biển”.

Những sản vật từ biển mang về như tiếp thêm sức mạnh để những chiếc tàu cá lại nối đuôi nhau ra khơi bám biển. Hơn 40 nghìn ngư dân Quảng Ngãi đã và đang thể hiện trách nhiệm của mình với biển khơi rất rõ ràng. Đó chính là tình yêu biển, lòng quyết tâm bám biển, chung tay cùng với ngư dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.