Chuyện xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Sơn

10:03, 10/03/2016
.

Ghi chép: Á.Kiều- Th. Hậu

(Baoquangngai.vn)- Xã miền núi Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa), nơi có đến 98% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số lại là xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2016, trong khi nhiều xã đồng bằng chưa làm được. Đây được xem là kỳ tích của xã miền núi này...
 
Cứ mỗi lần về xã Nghĩa Sơn, chúng tôi lại cảm nhận thiên nhiên chẳng khác gì một bức tranh vẽ, những dãy núi non tươi đẹp làm say đắm lòng người. Cuộc sống đổi thay nhưng vẫn giữ được sự trong trẻo, yên bình. 
 
Những đôi vợ chồng trẻ lần lượt từ biệt ngôi nhà tạm; bản làng, xóm thôn thay da đổi thịt từng ngày bằng những con đường mới. Bây giờ chuyện những gia đình mua xe tay ga xịn hay xây nhà vài ba trăm triệu không còn là điều quá khó. 
 
Anh Phùng- Phó Chủ tịch xã tiếp chúng tôi một cách vui vẻ. Anh Phùng tuổi đời còn rất trẻ, nước da ngăm đen khỏe khoắn, nói năng như một nhà hiền triết kể vanh vách chuyện xây dựng NTM. 
 
Anh cho biết: “Trước khi phát động xây dựng NTM, xã còn “luộm thuộm” lắm, nhưng được cái người dân ở đây cần cù, có lẽ nhờ kế thừa truyền thống cách mạng của xã Nghĩa Lâm”. (Nghĩa Sơn được tách từ xã Nghĩa Lâm từ năm 1991). Dù là xã miền núi, nhưng đã thoát khỏi các chương trình đặc thù nên xuất phát điểm xây dựng NTM như những địa phương đồng bằng.
 
Xây dựng NTM bắt đầu từ đâu? Làm cách nào để người dân đồng tình hưởng ứng hiến đất làm đường giao thông, các công trình thủy lợi? Trồng các loại cây gì, nuôi con gì để có thu nhập cao với một địa phương mà có đến 98% là người dân tộc thiểu số không phải đơn giản... Hàng loạt câu hỏi đặt ra khiến lãnh đạo xã phải suy nghĩ nát óc!
 
 
Con đường do cụ Ôn và các hộ dân khác hiến đất để làm đường bê tông vào xóm Hóc Kiến.
Con đường do cụ Ôn và các hộ dân khác hiến đất để làm đường bê tông vào xóm Hóc Kiến.
 
 
Thế rồi, Đảng bộ xã đã có một quyết định đầu tiên, đúng đắn là phân công 70 đảng viên phụ trách từng nhóm hộ để bắt đầu tuyên truyền vận động. Việc đảng viên nào phụ trách nhóm nào cũng không phải là chuyện giản đơn. 
 
“Chúng tôi phải bàn bạc rất kỹ, anh nào hợp với nhóm nào, anh nào hợp với nhóm kia, nói dân mới nghe chứ không phải làm càn được. Nhờ cách “lọc” đảng viên mà khâu tuyên truyền thành công hơn cả mong đợi”- anh Đại, Phó Bí thư Đảng ủy góp chuyện.
 
Mình vốn có truyền thống anh hùng cách mạng, xưa đánh giặc ngoại xâm, nay phải đánh giặc đói, giặc dốt, không bằng đồng bằng thì cũng phải bằng Nghĩa Lâm. Đó là câu nói mà các đảng viên hay thủ thỉ với dân mình.
 
Anh Phùng dẫn chúng tôi xuống tận các khu dân cư, ngạc nhiên thấy dân khá giàu có, đường làng được bê tông hóa từ làng trên đến xóm dưới, sân nhà, vườn tược, xóm làng sạch bóng, xe tay ga dựng khắp các sân nhà.
 
Dừng xe trước con đường đang san ủi để làm đường vào xóm Hóc Kiến cho 30 hộ dân, chúng tôi gặp cụ Ôn, người đã tình nguyện hiến tới 4 sào đất để làm đường bê tông, công trình thủy lợi.
 
Cụ Ôn vui vẻ: “Quy ra tiền cũng hơn trăm triệu, nghe thì to đấy, nhưng ngày xưa khổ quá rồi, băng rừng, lội suối, giờ không có tiền, góp bây nhiêu đất để Nhà nước bỏ tiền làm cái đường to đẹp cho con cháu đi lại mình mừng lắm! Sau này mình có mất đi nó còn nhớ tới mình”. 
 
Thấy chúng tôi ghi hình, anh Trưởng Công an xã đang chạy xe bon bon thắng xe cái kít, cười như hai lúa được mùa. “Nhà báo thấy người đồng bào chúng tôi tội không? Đi xe cộ vầy, tiền đâu mà đi xe xịn”. Nghe anh than thở, tôi cũng tỏ vẻ đồng cảm.
 
 
Mỗi gia đình đều có hộc xây kiên cố để đựng và đốt rác.
Mỗi gia đình đều có hộc xây kiên cố để đựng và đốt rác.
 
 
Vậy mà chạy theo anh về nhà, tôi choáng ngợp trước cơ ngơi mà nhiều người dân ở vùng đồng bằng cũng phải mơ ước. Cái nhà mới xây to rộng thênh thang, tường rào cổng ngõ xây kiên cố, con xe Air Blade dựng trước sân.
 
Gãi đầu cười hỏm hỉnh, anh phân bua: “Từ ngày xây tường rào không dám nhậu về khuya, có bữa xỉn quá nửa đêm về vợ nó nhốt ở ngoài, đi qua đi lại mãi không tìm được chỗ nào vào nhà. Có nó mà đàn ông không dám la cà nhậu nhẹt, lo làm lo ăn đỡ tốn kém ghê”.
 
Ghé thăm nhà chị Phạm Thị Gạt, chị đang quét sân hốt đổ rác vào cái hộc đựng rác được xây kiên cố trước sân. Chị Gạt bảo, hằng ngày quét dọn sân vườn, lá cây bỏ vào hộc rồi đốt lấy tro bón ruộng, trồng rau, bao ni lông gom lại chờ xe đến thu gom nên từ nhà ra ngõ nhà ai đều sạch bong. 
 
Dưới bếp nhà chị Gạt, nồi cơm đang nấu bay mùi thơm lừng. Chị khoe “Mấy năm trước được cán bộ hướng dẫn làm mô hình lúa chất lượng cao, nay rành rồi cứ thế mà làm. Gạo ăn không hết, dân chỉ toàn ăn gạo thơm, gạo cứng không ăn”.
 
Gặp anh Phạm Văn Sơn- Chủ tịch xã, tôi hỏi anh làm cách nào mà thu nhập người dân trước từ 6,5 triệu đồng/năm lên hơn 23 triệu đồng/năm, từ 9,45% giảm xuống còn 3,6% nghèo.
 
Anh Sơn chia sẻ: Được như hôm nay không phải công cán của một người mà cả xã đồng lòng. Họ làm quần quật như con thoi, hết ruộng đến rừng, hết rừng đến làm thuê, ai kêu gì làm đấy, không quản ngại khó khăn, dân mình làm siêng lắm, không nhậu nhẹt la cà như người dân ở các huyện miền núi đâu! 
 
 
Đường làng ngõ xóm sạch bong.
Đường làng ngõ xóm sạch bong.
 
Con cái bây giờ đi học đều phải đóng tiền, họ đau ốm đến bệnh viện cũng đóng tiền, không ai cho nữa hết, không làm lấy tiền đâu? Nói có sách mách có chứng, anh dẫn chúng tôi chạy dọc khắp làng trên xóm dưới, tìm đỏ mắt cũng không thấy nơi nào có thanh niên tụ tập la cà nhậu nhẹt mà chỉ thấy họ đang chất mía lên xe, làm  cỏ mì, chặt keo.
 
Đừng chân trước nhà chị Phạm Thị Nhàn, anh Sơn tự hào: Chị Nhàn là hộ nghèo, thân cò làm nuôi chồng bị tai biến và một đứa con đang học lớp 7 vậy mà chị đã thoát nghèo, sắm sửa được xe tay ga nhờ chăm chỉ làm 2 sào ruộng, trồng 3 sào cỏ nuôi bò, trồng 2 sào mía, 10 sào mì và 10 sào keo. Hễ rãnh lúc nào chị đi làm thuê lúc đấy. Từ 1 con bò cái do UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ, chị đã gầy được ba con bò.
 
Đi khắp các xóm làng, chúng tôi còn nghe nhiều, rất nhiều mô hình, cách làm hay mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Sơn đã làm được. Xã có tới 98% nhà ở đạt chuẩn của Bộ xây dựng, không có nhà tạm bợ, dột nát, thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng, chỉ còn 3,61% hộ nghèo, 100% cán bộ xã đạt chuẩn,…
 
Nhờ nhận thức đúng đắn, tâm huyết, những cách làm hay, sự đồng thuận, đồng lòng, nên chỉ sau 3 năm tổ chức thực hiện, Nghĩa Sơn đã đạt 15/19 tiêu chí. Với một địa phương miền núi, bấy nhiêu quả là một kỳ tích.
 
“Còn 4 tiêu chí nữa chúng tôi đang gấp rút triển khai thi công hoàn thiện, dự tính sẽ về đích trước tháng 9.2016. Được vậy, chúng tôi sẽ là xã miền núi đầu tiên cán đích nông thôn mới, nghĩ đến lúc ấy thấy vui và tự hào lắm lắm!”- anh Sơn cười mãn nguyện.
 
 

.