(Báo Quảng Ngãi)- Nắm bắt thị hiếu của người chơi hoa, những năm gần đây, nhiều người đã đầu tư trồng hoa lan với số lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, điều khiến người trồng hoa lo lắng là năm nay thời tiết thay đổi bất thường làm cho hoa bị dịch bệnh tấn công, có thể làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sâu bệnh tấn công hoa
Không giống năm trước, người trồng lan năm nay vô cùng khó khăn trong việc chăm sóc hoa phục vụ trong dịp Tết. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi bất thường, khiến sâu bệnh phát triển mạnh, gây hại cho hoa. Vì thế, người trồng lan phải thường xuyên phun thuốc, che chắn cho hoa, dẫn đến chi phí tăng.
Do ảnh hưởng của thời tiết nên vườn lan của ông Võ Trọng Thanh khả năng chỉ ra bông vào dịp Tết khoảng 10%. |
Không còn là loại hoa chỉ dành cho giới thượng lưu nên những năm gần đây, thị trường hoa phong lan trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá mạnh, vì với giá 160.000 – 200.000 đồng, dịp Tết có thể tăng lên 250.000 đồng/cây thì nhiều người có thu nhập thấp vẫn có thể mua được. Và chính nhu cầu tăng, nên nhiều người dân Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư cả tỷ đồng để trồng phong lan. Tuy nhiên, đây là loại hoa rất khó trồng, vốn lớn nên mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng rất dễ bị thất bại. Do đó, nếu không nắm vững kỹ thuật và thị trường đầu ra thì không nên trồng ồ ạt. |
Được xem là người có nhiều kinh nghiệm trong trồng hoa lan và năm nào ông Võ Thanh Tùng, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cũng chuẩn bị hàng nghìn chậu hoa lan hồ điệp để bán trong dịp Tết. Vậy mà năm nay, ông Tùng cũng đau đầu vì tình trạng sâu bệnh diễn biến phức tạp. “Nếu như mọi năm một tháng chỉ phun vài lần thuốc, thì năm nay trung bình mỗi tuần phải phun một lần. Trong đó, khó trị nhất là nhện đỏ, dù đã phun nhiều lần mà vẫn không diệt được”, ông Tùng cho hay.
Cũng là một trong những nông dân có kinh nghiệm trồng hoa lan, ông Lê Minh Bửu, quê ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) cho biết: “Đúng là thời tiết năm nay khó làm thiệt. Do đó, phải thường xuyên kiểm tra, bơm thuốc kịp thời để hoa không bị bệnh. Vì một khi bị nhiễm bệnh thì rất khó điều trị hoặc ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của hoa”.
Nếu nói về kinh tế thì không có loại nào qua lan hồ điệp. Đây là loại hoa rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là loại lan khó trồng nhất. Bởi hồ điệp là loại không chịu nóng và phải có độ ẩm thích hợp thì mới ra hoa. Do đó, lan hồ điệp thường được trồng ở xứ lạnh.
Đối với Quảng Ngãi thì có đặc trưng là thường mỗi độ tháng 9, 10 (âm lịch), nhiệt độ thường giảm xuống nên là thời điểm kích thích để lan ra hoa đúng vào dịp Tết. Thế nhưng, do năm nay thời tiết thay đổi bất thường, đến tháng 10 âm lịch mà trời vẫn nắng nóng nên đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây hoa. Trái ngược với hoa lan hồ điệp, loài lan Mokara lại “ưa nắng” nên năng suất hoa luôn đạt. Song theo đánh giá của ông chủ “vựa lan” Mokara lớn nhất Quảng Ngãi Võ Trọng Thanh, xã Bình Hòa (Bình Sơn) thì vụ Tết năm nay tỷ lệ cây ra bông rất ít. Dù Mokara là loại lan dễ trồng nhất trong các loại thuộc dòng lan, nhưng bắt đầu từ tháng 11 trời bỗng trở lạnh, kèm theo mưa nhiều, độ ẩm tăng cao khiến bộ rễ bị hư, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của hoa.
Chú trọng đầu tư hoa chậu
Phong lan là một trong những loại hoa đa dạng về loài, màu sắc và được xếp vào hàng quý phái. Đặc biệt là trong dịp Tết, người tiêu dùng chọn mua hoa lan vì dáng vẻ thanh tao, hương thơm thanh khiết và rất lâu tàn. Tuy nhiên, để tăng giá trị của hoa lan thì người trồng hoa đã chú trọng đầu tư ghép nhiều cây vào một chậu lớn để bán.
Theo ông chủ vườn lan Võ Thanh Tùng, bên cạnh việc nắm vững kỹ thuật, người trồng lan cần phải có đôi tay và con mắt nghệ thuật. Bởi để đáp ứng được yêu cầu đa dạng của thị trường thì cần phải tạo ra những sản phẩm, thế hoa đẹp. Vì thế, thay vì bán nhỏ lẻ, trong dịp Tết Bính Thân năm nay, ông Tùng sẽ ghép nhiều cây vào một chậu lớn, sau đó uốn các cây hoa theo nhiều thế kiểu khác nhau. Đặc biệt với cách làm này, ông Tùng cũng có thể tận dụng những cây hoa không đạt yêu cầu khi đứng riêng lẻ.
Bài, ảnh: HỒNG HOA