(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết năm nay “nắng dài, mưa muộn”, làng rau các xã Nghĩa Dũng, Tịnh An, Tịnh Long... (TP. Quảng Ngãi) đã “khởi đầu” một vụ rau Tết trễ hơn mọi năm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng, nơi phần lớn người dân sống bằng nghề trồng rau, không khí những ngày cuối năm đang rất khẩn trương. Cả thôn 6 có hơn 250 hộ sản xuất rau xanh, trong đó có 99 hộ (tổng diện tích 10,2ha) đã liên kết trồng rau sạch với Hợp tác xã rau an toàn Sông Trà.
Người trồng rau thôn 6, xã Nghĩa Dũng tất bật chăm chút vườn búp sú để kịp cung ứng thị trường Tết. |
Vừa chuẩn bị xuống giống cho sào rau xà lách, ông Phan Kế Toản - một hộ dân trồng rau, cho biết: “Năm nay thời tiết thay đổi, tháng 11 (âm lịch) còn “mưa phùn gió bấc” nên bà con xuống giống muộn hơn mọi năm. Như gia đình tôi, giờ đất ráo mới gieo xà lách được. Hy vọng từ giờ thời tiết nắng ấm để lứa rau này kịp thu hoạch trước Tết”. Theo ông Toản, tuy năm nay thời tiết bất lợi, nhưng sâu bọ ít và rau được giá hơn mọi năm. Gần đó, chị Đỗ Thị Nhĩ đang nhổ cỏ cho sào húng trắng sau hơn 3 tháng xuống giống, phấn khởi: “Thời điểm này giá húng trắng là 15 ngàn/kg, cao gấp đôi bình thường. Nhà tôi còn “giữ” được sào rau này, mỗi ngày thu hoạch lai rai cũng được 20-25kg. Rau được giá, bà con ai cũng trông chờ vụ cuối sẽ mang về một cái Tết đủ đầy hơn”.
Theo người dân nơi đây, những năm trước do lượng cung vượt cầu nên giá rau Tết xuống thấp. Như đậu cove thời điểm 28-29 Tết năm ngoái chỉ 5-6 ngàn/kg. Nhiều người trồng rau đành bỏ không thu hoạch vì chi phí thuê người hái và vận chuyển đã cao hơn giá bán ra. Năm nay, bà con không ồ ạt trồng 1 loại rau mà tính toán kỹ rồi mới chọn giống. Vì vậy, nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết hứa hẹn sẽ rất đa dạng với các loại xà lách búp, xà lách ria, búp sú, tần ơ, cải ngọt và cải dưa...
Bên kia sông Trà Khúc, người trồng rau phường Trương Quang Trọng và xã Tịnh An cũng đang tất bật cày xới, xuống giống cho vụ Tết. Trên thửa đất trồng ớt sắp ra quả, ông Nguyễn Hoàng vừa thu hoạch xong lứa cải dưa và đang lên luống, vô phân để xen canh lứa cải ngọt. Ông cho biết: “Do diện tích hẹp và đất pha cát nên người dân ở đây chỉ tận dụng được mùa mưa để xen canh các loại rau xanh. Nhưng thu hoạch vụ Tết mang lại thu nhập cao, nên bà con ai cũng khẩn trương xuống giống”.
Trong khi đó, tại làng rau thôn An Đạo (xã Tịnh Long), dù sản xuất quanh năm nhưng vụ rau Tết cũng được nhiều nông dân quan tâm. Trời về chiều, trên các vườn rau thôn An Đạo vẫn nhộn nhịp người nhổ cỏ, tưới nước và thu hoạch cho chợ sớm mai. Chỉ tay vào vườn hành xanh mơn mởn, bà Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Bình thường thì trồng đủ loại, nhưng gần Tết tôi trồng nhiều xà lách, ngò, hành. Hy vọng năm nay giá rau ổn định để bà con ăn Tết vui hơn sau một năm canh tác vất vả”.
Thôn An Đạo là làng rau lớn nhất Tịnh Long với hơn 350 hộ dân sản xuất rau cung ứng cho chợ đầu mối Quảng Ngãi. Tại đây trồng đa dạng các loại rau như húng, quế, hành, ngò, xà lách, rau má... Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, người dân trồng xen canh để tăng sản lượng phục vụ thị trường trước và sau Tết. “Mặc dù trồng rau chuyên canh, nhưng vụ rau Tết vẫn được người trồng rau quan tâm do nhu cầu thị trường cao. Với người dân nơi đây, Tết chỉ gói gọn trong ngày mùng một, bởi mùng hai bà con đã tất tả ra đồng. Thu nhập từ rau xanh những năm qua giúp bà con có cái Tết tươm tất hơn, đời sống ổn định hơn nên ai cũng gắn bó với đất, với nghề”, ông Phạm Văn Minh - trưởng thôn An Đạo phấn khởi cho biết.
Bài, ảnh: Hà Xuyên