Vùng cao vào vụ đông xuân

01:12, 09/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày này, trên các cánh đồng ở vùng cao Tây Trà dễ dàng bắt gặp cảnh đồng bào Cor đang tất bật cày ải, xuống giống để gieo sạ vụ đông xuân. G
Đồng loạt trồng lúa nước
 
Ở vùng cao Tây Trà, nếu như trước đây, đồng bào dựa vào lối canh tác lúa rẫy truyền thống thì nay đã có sự tiến bộ rõ rệt về cách thức sản xuất bằng việc chuyển sang làm lúa nước như miền xuôi. Đồng bào đã biết dẫn thủy từ vùng cao về vùng thấp một cách khoa học.
 
Trên khắp các cánh đồng, người dân đã bắt đầu làm ruộng, chuẩn bị gieo sạ.
Trên khắp các cánh đồng, người dân đang chuẩn bị để gieo sạ.
 
Xã Trà Phong được xem là xã có diện tích lúa nước lớn nhất của huyện Tây Trà. Nhờ việc áp dụng rộng rãi cách sản xuất mới mẻ này nên nhiều hộ đã xóa bỏ được nạn đói. Chị Hồ Thị Siêng (thôn Trà Niêu), bộc bạch: “Từ ngày làm lúa nước, nhà mình không còn phải lo thiếu ăn nữa”.
 
Gia đình chị Siêng chỉ có vỏn vẹn vài sào ruộng. Theo tính toán của chị, trung bình cứ một sào chị sạ 1 ang giống, đến kỳ thu hoạch đạt khoảng 6- 7 bao lúa, hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều so với làm lúa rẫy (năng suất chưa bằng 1/2). 
 
Để lý giải về điều này, chị chỉ tay về phía rừng, nơi còn sót lại một ít diện tích lúa rẫy, nói: “Đó, lúc trước bà con đốt nương trồng lúa rẫy, trời thương thì cho mưa, lúa xanh tốt. Không mưa thì đất đá khô cằn, lúa chết héo, thóc đâu có mà ăn, đói năm này qua năm khác”.
 
Từ nguồn vốn 30a của Chính phủ, vốn sự nghiệp của tỉnh, huyện phân bổ về, Trạm Khuyến nông huyện Tây Trà thường xuyên triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh lúa nước vào vụ hè thu. Trạm ưu tiên các xã có diện tích lúa tập trung, giao thông thuận lợi như: Trà Phong, Trà Quân, Trà Thọ… để người dân dễ dàng đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
 
Cùng với đó, với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, cán bộ khuyến nông còn xuống tận địa bàn, "cầm tay chỉ việc" giúp họ sớm quen dần với lối thâm canh lúa nước. Bên cạnh đó, Trạm còn hỗ trợ giống chất lượng cao, khả năng sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, tỉ lệ hạt lép thấp; đầu tư toàn bộ phân bón, thuốc trừ sâu cho người dân trong thời gian triển khai đến khi thành thạo mới thôi. 
 
“Việc triển khai mô hình này giúp người dân thấy được vai trò của khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc lúa nước, qua đó từng bước góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tăng năng suất chất lượng lúa từ 30 đến 35 tạ/ha lên từ 52 đến 54 tạ/ha”, anh Phạm Duy Hiền -  Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Tây Trà, cho biết.
 
Sạ đại trà theo lịch thời vụ
 
Chị Huỳnh Thị Thanh Thúy - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tây Trà, cho biết: Vụ đông xuân 2015 - 2016, dự kiến tổng diện tích gieo sạ toàn huyện khoảng 255 ha, năng suất 36,5 tạ/ha, sản lượng 933 tấn.
 
Thuận lợi nhất trong vụ này là không trùng với vụ lúa rẫy nên các hộ gia đình đang dồn hết sức, tập trung sản xuất lúa nước theo đúng kế hoạch. Huyện cũng đã cử cán bộ khuyến nông xuống các địa phương hướng dẫn, tập huấn cho người dân về kỹ thuật và chỉ đạo gieo trồng theo lịch thời vụ.
 
Các mô hình trình diễn ký thuật thâm canh lúa nước đã giúp người dân thay đổi dần tập quán trồng lúa rẫy.
Các mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh lúa nước đã giúp người dân thay đổi dần tập quán trồng lúa rẫy, cho năng suất thấp.
 
Theo đó, huyện đã bố trí lịch thời vụ gắn với cơ cấu giống lúa có thời gian sinh trưởng trung ngày, ngắn ngày để lúa đại trà trổ tập trung từ 10.3 đến 20.3, thu hoạch trước ngày 30.4 nhằm giảm chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro.
 
Đồng thời, căn cứ vào thời điểm lúa trổ để xác định khung lịch thời vụ gieo sạ đại trà từ ngày 20.12 đến 10.1, không để người dân gieo sạ sớm, lúa trổ sẽ gặp không khí lạnh hoặc gieo sạ muộn sẽ có nguy cơ thiếu nước vào giai đoạn lúa trỗ, năng suất sẽ không cao.
 
Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân này, huyện Tây Trà sẽ chủ động gieo sạ các giống lúa chủ lực như HT1, Thiên Ưu 8, kd DB, OM6976, ĐV 108, VN121…
 
Bà Thủy cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi thì cũng còn tồn tại nhiều khó khăn. Theo thời gian, do ảnh hưởng thời tiết, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hư hỏng nặng, chưa khắc phục được. Bên cạnh đó, một số người dân vẫn chưa chủ động đầu tư cho việc thâm canh lúa nước trong vụ đông xuân nên năng suất thường thấp hơn vụ hè thu... Tuy nhiên, với những nỗ lực hết mình trong điều kiện có thể, vụ đông xuân này, hi vọng sẽ gặt hái thắng lợi, đem lại năng suất cao cho bà con".
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.