(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 1 năm được cấp điện từ hệ thống điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân Lý Sơn phát triển khá toàn diện. Đặc biệt là việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp ngư dân đất đảo thuận lợi hơn trong khai thác hải sản, an tâm bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nâng cấp cơ sở đóng, sửa tàu cá
Chúng tôi đến thăm cơ sở đóng sửa tàu thuyền Lý Sơn do ông Lê To, thôn Đông, xã An Hải làm chủ. Những con tàu cá công suất lớn sau bao ngày dài bám biển, giờ được kéo lên bờ nghỉ ngơi nằm chen chúc trên triền đà sát biển chờ đến lượt sơn sửa, để chuẩn bị cho những chuyến hải trình năm 2016. Tiếng máy cưa, máy bào, máy sơn; tiếng búa đục ầm vang cả một góc biển.
Nhiều tàu cá vào sửa chữa tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền Lý Sơn . |
Ông Lê To bảo: “Từ ngày có điện, cơ sở làm ăn khấm khá hẳn lên. Sau khi trừ chi phí, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng”. Hiện nay, triền đà của ông To có khoảng 30 thợ đóng sửa tàu thuyền lành nghề có việc làm thường xuyên. Mỗi ngày công lao động bình quân 500.000 đồng, nếu là thợ cả thì có thể 700.000 – 800.000 đồng/ngày. Ông Lê To hồ hởi khoe với chúng tôi, chuyện mở rộng làm ăn của cơ sở mình kể từ ngày có điện. “Mua thêm máy cưa, máy bào, mua gỗ về để sửa chữa lớn cho tàu cá. Khi chưa có điện, mình chỉ nhận quét sơn lại tàu thôi. Mở rộng dịch vụ lợi nhuận thu về tăng gấp 5 – 7 lần so với trước đây” – ông Lê To nói.
Những ngư dân ở đất đảo này chọn cơ sở sửa chữa tàu thuyền Lý Sơn để “thay áo mới” cho tàu cá của mình cũng tỏ rõ vui mừng. Ngư dân Bùi Ngọc, chủ tàu cá QNg 96513 TS ở thôn Đông, xã An Hải cho biết: Tàu mình chạy từ Hoàng Sa về bán cá, xong về đảo nghỉ ngơi. Mọi khi muốn sửa tàu phải chạy vào đất liền, còn nay sửa tại chỗ ở đảo, đỡ tốn công, tốn tiền dầu đưa tàu di chuyển như trước. Lợi đến cả mấy chục triệu đồng đó chứ”.
Động lực để Lý Sơn phát triển Có điện quốc gia, dịch vụ hậu cần nghề cá ở Lý Sơn phát triển, giúp các chuyến ra khơi của ngư dân thuận lợi hơn rất nhiều. Ngư dân không phải đưa tàu vào đất liền nữa mà được phục vụ ngay tại đảo Lý Sơn, vừa kịp thời, vừa giảm tốn kém chi phí đi lại. Đây cũng chính là động lực phát triển mạnh cho kinh tế biển huyện đảo Lý Sơn. |
Còn ông Lê To thì cứ nhắc đi nhắc lại: “Trước chưa có điện, chạy dầu diezel chi phí cao mà hiệu quả kinh tế không cao. Nay có điện, chi phí giảm, làm ăn có lãi lớn”. Nói rồi, ông To đưa chúng tôi đi vòng quanh cơ sở của ông, “khoe” dàn máy móc mới đầu tư tiền tỷ mua sắm sau khi có điện. Ông To còn đang có dự định đầu tư thêm một số máy móc hiện đại để sửa chữa, thay vỏ tàu. Hướng đến sẽ nâng cấp cơ sở lên đóng tàu công suất lớn khi có đủ tiềm lực về kinh tế và nhân lực.
Tiện ích trong cung ứng dịch vụ hậu cần
Cơ sở sản xuất đá lạnh của ông Võ Son, thôn Tây, xã An Vĩnh nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, sát vách với nhà ở của các hộ dân. Buổi trưa, cơ sở vẫn chạy máy đều đều để kịp có đá lạnh phục vụ tàu cá ra khơi. “Ngày trước, chạy bằng máy diezel phát điện để sản xuất đá lạnh tiếng ồn giữ lắm. Trưa, tối phải ngưng để bà con nghỉ ngơi. Còn giờ, chạy bằng điện, tiếng máy êm ru à” – ông Võ Son vui vẻ nói. Ông Son cho biết mỗi ngày cơ sở ông cung ứng cho tàu cá vài ba trăm cây đá lạnh. Trước đây chủ yếu là làm đá lạnh bỏ cho quán giải khát, từ ngày có điện, nâng công suất phục vụ cho tàu cá. Sản xuất được mở rộng phát triển, nhưng chi phí lại giảm đáng kể khi có điện lưới quốc gia. Ông Son bảo: “Trước đây mỗi tháng tiền mua dầu phát điện bằng máy diezel lên đến 200 triệu đồng. Nay chạy bằng điện chỉ tốn hơn 40 triệu đồng/tháng. Nói về có điện thì dân Lý Sơn lợi đủ đường”.
Có điện, hệ thống cung ứng nhiên liệu cho tàu cá cũng phát triển mạnh. Công đoạn bơm dầu cho tàu cá đi khơi cũng không phải tính bằng can hay bơm tay bằng cần thủ công nữa. Tàu cá cặp vào sát mép cảng, nhân viên của đại lý xăng dầu sẽ ấn nút, rồi cầm vòi bơm cho đến khi đủ số lượng cần thiết. Việc tính tiền cũng có hệ thống điện tử từ trụ bơm “chốt” chính xác. Việc cung ứng xăng dầu không phải qua nhiều công đoạn thủ công nên tránh được hao hụt đáng kể.
Bài, ảnh: THANH NHỊ