Lý Sơn nhìn từ Cù Lao Chàm

04:04, 01/04/2013
.

* TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Cù Lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) gồm 8 đảo với tổng diện tích khoảng 15km2. Hòn Lao là một trong 8 đảo, chiếm diện tích lớn nhất và cũng là trung tâm hành chính của xã Tân Hiệp. Với những gì mà hòn đảo này đang có, đủ để cho đảo Lý Sơn phải “nhìn lại mình” trong việc phát triển kinh tế-xã hội cũng như việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại đây.

TIN LIÊN QUAN


* Từ chuyện cái nhà vệ sinh

Cách đây 10 năm, tôi đi cùng đoàn kiểm tra của thị xã Hội An ra Cù Lao Chàm để “nghiệm thu” công trình xây… toilet tự hủy của người dân ở đây. Hồi đó (2003), ông Nguyễn Sự đang là chủ tịch thị xã Hội An, người đã có công lớn để đưa Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, rất “máu” chuyện xây nhà xí cho dân Cù Lao Chàm.

Thoạt trông ông chủ tịch của một “di sản văn hóa thế giới” này, cứ tưởng ông là một lão nông nhưng ẩn chứa bên trong con người có vẻ khô khan ấy là cả một sự tâm huyết và quyết liệt, nhiều khi rất cực đoan trước những kế hoạch mà mình đặt ra, nhất là những kế hoạch ấy sẽ mang lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn.

1.    Núi Thới Lới của Lý Sơn nhìn từ biển. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Núi Thới Lới của Lý Sơn nhìn từ biển. Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Ông Sự dẫn đầu đoàn kiểm tra hôm ấy. Vừa đặt chân lên cầu cảng, ông xăm xúi đi về phía nhà ông thôn trưởng thôn 1 trước tiên. Chả thèm chào hỏi chủ nhà, ông chủ tịch thị xã lao ngay ra phía sau nhà ông thôn trưởng, miệng không ngớt hỏi: “Nó mô rồi, chỗ mô? chỗ mô?”. Nếu không biết mục đích công việc của đoàn kiểm tra, chắc mọi người sẽ nghĩ ông Sự đang truy lùng một tên ăn trộm nào đó đang trú ẩn tại nhà thôn trưởng.

Thôn trưởng trạc tuổi 40, bước thật nhanh theo chân ông chủ tịch, miệng nói tay chỉ: “Chỗ nớ, nó nớ anh nờ”. Ông Sự mở cửa nhà xí, nhìn một đỗi, nói: “Rứa tốt. Nhưng ông phải dẫn tôi đến một vài nhà nữa chứ tôi không hoàn toàn tin tưởng là thôn 1 ni đã “toilet trăm phần trăm” như báo cáo đâu nghe!”.

Dẫn đến nhà dân thứ 3 thì ông Sự phát hiện, dân chỉ xây nhà xí, nhưng lấy gai rào lại chứ không dùng! Ông Sự hỏi chủ hộ: “Răng không sử dụng mà rào lại?”. Chủ nhà gãi đầu: “Dạ, quen đi ngoài bãi cát rồi anh. Chừ chui vô toilet, nó bịt bùng khó chịu lắm!”. Hóa ra dân “sợ” chính quyền kiểm điểm mà làm toilet chứ không phải đó là nhu cầu chính đáng của họ. Vì tiền xây nhà xí là do thị xã lấy ngân sách ra hỗ trợ mà!

Ông Sự dứt khoát: “Làm như rứa là không được mô! Vừa tốn ngân sách mà không sử dụng thì làm nhà xí để chi?”. Sau đợt kiểm tra “đột xuất” ấy, dân Cù Lao Chàm bắt đầu thay đổi thói quen lâu nay.

Sở dĩ chính quyền thị xã Hội An khi đó rất quyết liệt trong việc xây nhà xí cho dân, vì khi Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới năm 1999, khách du lịch khắp thế giới đổ về đây. Họ không chỉ chiêm bái những con phố cổ, những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi ở đây mà còn vượt 18km đường biển để đặt chân đến Cù Lao Chàm. Ấn tượng về những hòn đảo hoang sơ và xinh đẹp ấy lập tức bị giảm sút khi chứng kiến cảnh phóng uế bừa bãi của cư dân trên đảo. Họ đã phản ảnh với chính quyền Hội An về “những điều trông thấy” rất phản cảm tại Cù Lao Chàm khiến chính quyền phải quyết liệt trong việc làm thay đổi thói quen của người dân tại đây.

Thời đó (đầu những năm 2000) mà làm một nhà xí tự hoại là quá khả năng tài chính của dân nghèo trên đảo nên chính quyền phải hỗ trợ. Kiên trì vận động và giải thích, chỉ trong vòng 3 năm, 700 gia đình trên đảo đã từ bỏ thói quen lâu nay của mình.

Khách du lịch đã không còn thấy phiền hà mỗi khi đi dạo trên bãi biển ngoài Cù Lao Chàm nữa. Khách đến Cù Lao Chàm ngày một đông, nguồn thu từ dịch vụ của người dân ở đây cũng được cải thiện. Dân đã nhìn thấy cái lợi khi từ bỏ thói quen xấu ấy nên chính quyền cũng không mất công để giải thích gì thêm. Sự tự giác của họ ngày càng được xác lập và củng cố nhờ vào cái lợi mà khách du lịch mang lại.

Dĩ nhiên, Cù Lao Chàm chỉ là một xã của Hội An, dân số ít, ngân sách của Hội An lại dồi dào nên việc hỗ trợ cho dân làm nhà xí cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, cách làm của Hội An đáng để cho Lý Sơn phải suy nghĩ. Lý Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bằng cảnh trí mà còn có thể níu chân khách tham quan bằng những “huyền thoại” của mình. Ví như giai thoại về Đội Hùng binh Hoàng Sa cùng những lễ hội văn hóa mang tính tâm linh hoặc một số thắng cảnh làm mê đắm lòng người mà không dễ gì các hòn đảo khác có được.

Thế nhưng, thói quen làm “quận công” dọc bờ biển vào mỗi tối hoặc sớm mai vẫn chưa được chấm dứt hẳn ở Lý Sơn dù từ nhiều năm qua, nhiều gia đình trên đảo đã bắt đầu ý thức việc xây nhà xí tự hoại.

* Rừng và túi ni lông

Trừ Côn Đảo, chưa thấy hòn đảo nào mà việc giữ rừng lại tốt như ở Cù Lao Chàm. Ở giữa trùng khơi mà rất nhiều con suối nước ngọt chảy ào ạt ngay giữa ngày hè. Đó là chỉ dấu cho thấy việc giữ rừng quá tốt của người dân nơi đây. Ra Cù Lao Chàm bây giờ, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên khi trong thực đơn có món rau rừng với 17 loại rau khác nhau.

Bán rau rừng ở Cù Lao Chàm. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Bán rau rừng ở Cù Lao Chàm. Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Hằng ngày, nhiều phụ nữ đã mang giỏ lên núi Hòn Lao để hái rau về bán cho các quán ăn trên đảo. Mà người đi hái rau ở đây cũng rất có ý thức trong việc “nuôi nguồn”, nghĩa là họ không tận diệt mà bao giờ cũng rất cẩn trọng mỗi khi hái rau, làm sao đó mà trong vòng một hai tháng sau, chính loại cây rừng vừa “thu hoạch” ấy sẽ tiếp tục cung cấp nguồn rau khác. Điều này thì chính quyền chả tuyên truyền vận động hoặc hướng dẫn gì mà chính người hái rau tự ý thức được việc làm của mình rằng nếu “tận diệt” thì nguồn thu hằng ngày của họ sẽ bị sụt giảm.

Suối có nước chảy ngay cả trong mùa khô hạn, lại có rau rừng trong các thực đơn phục vụ du khách, đó là điều mà Lý Sơn ao ước bao lâu nay. Các cụ già ở Lý Sơn kể lại rằng, trước năm 1945, tất cả các ngọn núi trên đảo đều có rừng. Thậm chí, ngay trong lòng chảo của núi Thới Lới còn có cả một cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý.

Quanh năm, suối Chình không bao giờ cạn nước là vì thế. Tuy nhiên, chỉ qua một cuộc chiến tranh, cả 5 ngọn núi trên đảo Lý Sơn đã “xuống tóc”. Suối Chình giờ chỉ có nước trong… mùa mưa! Cảm giác trơ trọi đến khô khốc luôn ám ảnh du khách khi đặt chân lên đảo Lý Sơn.

Những cây dương ít ỏi nhưng rất xanh tốt còn sót lại trên các ngọn núi hiện nay cho thấy, không phải đất ở đây không trồng được cây để phát triển thành rừng mà cái chính là người dân trên đảo đã không ý thức được giá trị của rừng nếu ta biết giữ gìn nó. Chính họ đã tự làm khô kiệt nguồn nước chứ không hẳn là do thời tiết khắc nghiệt ở đây.

Mấy năm qua, Đoàn thanh niên và bộ đội đã có những chương trình “phủ xanh đảo” bằng việc trồng cây nhưng vẫn còn mang nặng tính hình thức hơn là thực chất. Chỉ có phủ xanh đảo Lý Sơn bằng một chương trình trồng-cây-thực-chất thì may ra mới có thể “đấu” với Cù Lao Chàm khi nói chuyện rừng! Việc này không quá khó khăn, chỉ khó ở sự có quyết tâm hay không mà thôi.

Ra Cù Lao Chàm bây giờ, ngoài sự bình yên đến kỳ lạ, du khách còn có cái cảm giác “sạch đến kỳ lạ”. Dân Cù Lao Chàm không “welcome” du khách bằng các bảng hiệu cũ mèm như lâu nay mà ta vẫn thấy, họ “chào quý khách” bằng một câu ấn tượng: “Hãy nói không với túi ni lông”.

Nói được, làm được. Từ nhiều năm nay, trong các quán, đặc biệt là ở chợ, không thấy người bán hàng nào dùng túi ni lông. Người đi chợ cũng mang theo giỏ nhựa hoặc lá chuối để gói hàng. Cũng giống như câu chuyện xây nhà xí cho dân, để “cấm tiệt” túi ni lông, chính quyền đã cấp miễn phí giỏ nhựa và rổ cho các bà nội trợ.

Việc nói “không” với túi ni lông, không chỉ làm “sạch” Cù Lao Chàm trong mắt du khách mà cái chính là, cá tôm đã bắt đầu về lại với ngư dân ở đây khi vùng biển của họ hoàn toàn trong sạch. Ngư dân có thêm thu nhập từ việc “nói không với túi ni lông” này.

Tôi vô cùng ấn tượng khi phỏng vấn bất cứ một người dân nào ở Cù Lao Chàm, đều nghe họ nói một ý như nhau: Cái gì mang lại lợi ích trực tiếp cho chúng tôi thì chúng tôi thực hiện ngay! Dĩ nhiên, để “thực hiện ngay” ấy đòi hỏi cả một quá trình vận động chứ không phải một sớm một chiều.

Lý Sơn, với những đặc thù của mình là dân số đông, quản lý khó, kinh tế chưa phát triển, du khách lại lèo tèo, nguồn thu từ du lịch dịch vụ ít nên câu chuyện “lắc đầu với túi ni lông” là điều không dễ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không làm được. Chưa thấy có một cuộc vận động nào hoặc một lời khuyến cáo nào về việc “nói không với túi ni lông” ở Lý Sơn thì làm sao người dân có thể từ bỏ thói quen của họ lâu nay cho được!

Sẽ là khập khiễng khi đem “úp” mô hình Cù Lao Chàm lên Lý Sơn rồi bắt Lý Sơn làm y như Cù Lao Chàm, song những gì mà Cù Lao Chàm đang có, phải được xem như những bài học để chúng ta có thêm kinh nghiệm từ thực tiễn của bạn để biến Lý Sơn thành “hòn ngọc” như kỳ vọng của bao người dân trên hòn đảo này./.
 


.