Bình Sơn: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

07:12, 08/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ có Khu Kinh tế Dung Quất với các dự án công nghiệp nặng, những năm qua huyện Bình Sơn còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) qua việc thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Bình Nguyên, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả mang lại

Nhà máy gạch tuy nen Bình Nguyên (Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp An Ngãi) được thành lập, đi vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Bình Nguyên từ năm 2003, trên diện tích 2ha, với tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ đồng, công suất thiết kết 15 triệu viên quy chuẩn/năm. Ông Đinh Tấn Nhơn- Giám đốc Nhà máy cho biết: Hoạt động sản xuất của nhà máy phụ thuộc vào thị trường đầu ra của sản phẩm. Những năm trước đầu ra không ổn định, nhà máy sản xuất chỉ bằng hoặc thấp hơn công suất thiết kế; thu nhập của người lao động bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng.Nhưng năm 2015, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng bởi mật độ xây dựng nhà cửa, tái định cư nhiều, nên nhà máy đạt sản lượng 17 triệu viên quy chuẩn/năm, doanh thu 10,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 450 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 110 lao động, với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch tuy nen Bình Nguyên.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch tuy nen Bình Nguyên.


Không chỉ Nhà máy gạch tuy nen Bình Nguyên, tại Cụm CN Bình Nguyên còn có các dự án đầu tư khác đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả. Đó là Dự án Nhà máy sản xuất tấm lợp Fibrocement và sản xuất ngói xi măng trên diện tích hơn 1,5ha của Công ty cổ phần Quảng Phúc, công suất 2,5 triệu m2 /năm; vốn đăng ký đầu tư 15 tỷ đồng. Giá trị sản xuất năm 2015 khoảng 76,45 tỷ đồng; nộp ngân sách 976,7 triệu đồng; tạo việc làm cho 165 lao động, với thu nhập bình quân 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Còn Dự án Nhà máy sản xuất giấy trắng của Công ty TNHH giấy Phú Mỹ Quảng Ngãi có diện tích đất thuê 2ha; công suất 48.000 tấn sản phẩm/năm; vốn đăng ký đầu tư 47,8 tỷ đồng. Giá trị sản xuất năm 2015 ước đạt trên 187 tỷ đồng; tạo việc làm cho 59 lao động, với thu nhập bình quân 3,7 triệu đồng/người/tháng. Dự án Nhà máy gạch không nung Bình Sơn của Công ty TNHH Thương mại và Xây lắp AMC có công suất 7 triệu viên/năm; thuê đất 0,7ha; vốn đăng ký đầu tư 10 tỷ đồng; giá trị sản xuất năm 2015 trên 1 tỷ đồng, nộp ngân sách 236 triệu đồng; tạo việc làm cho 15 lao động, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/ người/tháng...
 

Đến nay, Cụm CN Bình Nguyên đã kêu gọi được 14 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 314,7 tỷ đồng trên tổng diện tích đất cho thuê trên 16ha. Trong đó có 7 dự án đi vào hoạt động, với giá trị sản xuất năm 2015 ước đạt 279,2 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 1,7 tỷ đồng (bằng 238% năm 2014); tạo việc làm cho 420 lao động, mức lương bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Ngọc Đức- Giám đốc Ban quản lý các cụm công nghiệp huyện Bình Sơn cho biết: Cụm CN Bình Nguyên giai đoạn 1 được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch diện tích 19,7ha, hiện đã lấp đầy 83,96%. Giai đoạn 2 mở rộng gần 11ha, đang triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư. Ngoài ra huyện cũng đang lập thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp Bình Long diện tích 25ha để đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư phát triển CN-TTCN.

“Trong quá trình quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư, huyện luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT). Định kỳ 6 tháng, Ban quản lý phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành lấy mẫu quan trắc môi trường tại Cụm CN Bình Nguyên. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các nhà máy và kịp thời xử lý các đơn vị vi phạm pháp luật về BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Đức nói.

Qua kiểm tra tại Cụm CN Bình Nguyên, đa số các doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động đều lập đầy đủ các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác BVMT như: Bản xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại của nhà máy.

Định kỳ 6 tháng, 1 năm các doanh nghiệp đều thực hiện tự kiểm tra công tác BVMT về khí thải, bụi, độ ồn… tại nhà máy, đồng thời đã gửi kết quả về cho cơ quan quản lý chuyên ngành của huyện để giám sát. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy đạt theo tỷ lệ quy định, xây dựng hệ thống mương thoát nước xung quanh nhà máy, xây dựng bể 3 ngăn để xử lý nước thải sinh hoạt và nước mưa, hệ thống xử lý bụi, chống ồn, trang bị thùng đựng rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại...


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.