(Baoquangngai.vn)- Nghề cá của Quảng Ngãi mang tính truyền thống, tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị khai thác còn lạc hậu và thiếu thốn, nên việc nâng cao năng lực khai thác thủy sản cho ngư dân là việc làm hết sức cần thiết và cần được tiến hành thường xuyên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp (DN-GDTX&HN) huyện Bình Sơn là đơn vị đào tạo và cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên duy nhất ở Quảng Ngãi đến thời điểm hiện tại. Đã có hàng nghìn ngư dân được Trung tâm này đào tạo, trang bị kiến thức hết sức bổ ích để áp dụng khi hành nghề trên biển, nhất là khi tàu thuyền gặp sự cố tai nạn, giông tố trên biển...
* Vững tin vươn khơi
Thuyền trưởng tàu cá QNg 90289TS Bùi Ngọc Thuận (32 tuổi) và máy trưởng Bùi Ngọc Hải (30 tuổi) ở xã Bình Châu (Bình Sơn) là anh em ruột. Cả hai đã được đào tạo và cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng; được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển; cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố, cứu hộ, cứu nạn trên biển; cách điều khiển tàu chạy tránh bão, phương cách bảo quản hải sản an toàn... Nhờ đó, hai anh em rất vững tâm khi điều khiển con tàu 350 CV vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản.
Ngư dân chuẩn bị ngư cụ để bước vào mùa biển mới. Ảnh: Phạm Danh/Báo Quảng Ngãi |
Anh Thuận tâm sự: “Chúng tôi làm nghề biển khi được cha mình truyền lại. Nhưng thế hệ chúng tôi thuận lợi hơn lớp trước là được học thuyền trưởng, máy trưởng bài bản và hiểu rõ hơn các quy định, luật pháp của Việt Nam và quốc tế về đánh bắt hải sản trên biển, nên quá trình khai thác hải sản có thuận lợi hơn nhiều...”.
Đi bạn trên tàu QNg 90289TS, ngư dân Nguyễn Văn Trung (39 tuổi, cũng ở xã Bình Châu), cho biết: “Tất cả anh em đi bạn trên tàu rất vững tin vào người cầm lái và thợ máy của con tàu. Chỉ những hư hỏng lớn như gãy cốt máy thì mới phải nhờ các tàu khác lai dắt về, còn gặp phải những sự cố hư hỏng nhỏ đều được anh em bình tĩnh khắc phục tại chỗ. Riêng năm nay tàu làm ăn được, mỗi bạn tàu thu về hơn trăm triệu đồng. Đặc biệt, trong tháng 8 tàu chúng tôi còn cứu hộ, lai dắt tàu cá của ông Võ Văn Lượm bị gãy cốt máy từ khu vực đảo Bom Bay (Hoàng Sa) về đất liền an toàn”.
“Địa chỉ đỏ” dạy nghề cho ngư dân
Từ năm 2012, Trung tâm DN-GDTX&HN huyện Bình Sơn được Sở LĐ-TB&XH tỉnh giao phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và Khai thác thủy sản Nha Trang tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 cho ngư dân theo Đề án 1956 của Chính phủ (về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010- 2020). Định suất cấp cho đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng là 1,9 triệu đồng/người; thuyền viên gần 600 nghìn đồng/người.
Trong 3 năm (2012-2014) đã có 902 ngư dân được Trung tâm đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Đồng thời, mở được trên 40 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ thuyền viên cho hàng nghìn ngư dân một số xã ven biển và huyện Lý Sơn. Nội dung đào tạo thuyền viên gồm: Nghiệp vụ thủy thủ tàu cá, an toàn tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Phạm Danh/Báo Quảng Ngãi |
Riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm mở được 8 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho 240 ngư dân ở các xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), Bình Châu (Bình Sơn) và huyện đảo Lý Sơn. Hiện đơn vị đang chuẩn bị tiếp tục mở 7 lớp đào tạo cho khoảng 200 ngư dân ở các xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), Đức Minh (Mộ Đức), Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) và huyện Lý Sơn. Qua các lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 và thuyền viên đã giúp ngư dân vững tin vươn khơi xa, bám biển làm ăn và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Võ Hoàng - Giám đốc Trung tâm DN-GDTX&HN huyện Bình Sơn cho biết, đến nay hầu hết các xã ven biển trong tỉnh đã được hưởng lợi từ chính sách đào tạo nghề cho ngư dân theo Đề án 1956, nhất là đào tạo nghề thuyền trưởng và máy trưởng. Tuy nhiên, so với tổng số tàu thuyền công suất lớn của tỉnh (gần 3.000 chiếc công suất trên 90CV) thì việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hiện chưa đủ.
Riêng đào tạo thuyền viên thì cả tỉnh chỉ mới mở được lớp dạy nghề ở các xã Đức Lợi, Bình Châu, Tịnh Kỳ và huyện Lý Sơn. “Việc đào tạo nghề cho ngư dân hiện nay gặp khó khăn bởi phụ thuộc mùa vụ đi biển của ngư dân. Thường việc mở lớp đào tạo nghề cho ngư dân phải đợi đến giữa tháng 11, tức vào mùa biển động, tàu cá nghỉ thì mới tổ chức được. Các mùa khác do ngư dân bận đi biển nên dù có mở lớp cũng không có học viên theo học”, ông Hoàng nói.
Mặc dù theo quy định thì mỗi tàu cá khi xuất bến ra khơi phải có đủ các bằng thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên. Tuy nhiên việc đào tạo này vẫn còn hạn chế.
Đơn cử như tại xã Bình Chánh (Bình Sơn), cả xã có trên 80 chiếc tàu hành nghề câu mực khơi (công suất trên 90 CV); mỗi tàu khi xuất bến có khoảng 20-30 người và yêu cầu phải có 2 thuyền trưởng, 2 máy trưởng và tất cả thuyền viên phải có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo. Nhưng hiện tại việc đào tạo mới đáp ứng mỗi tàu có 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng; còn thuyền viên thì chưa ai được đào tạo và cấp chứng chỉ.
Không chỉ Bình Chánh, mà với các xã có số lượng tàu thuyền lớn nhất nhì tỉnh như Phổ Thạnh (Đức Phổ) hay Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) cũng tìm “đỏ mắt” chưa ra chứng chỉ thuyền viên.
PHẠM DANH