Tăng "chất" từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

10:10, 27/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 – 2020 (Đề án) được xem là đòn bẩy thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng về “chất”, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp  nhằm sắp xếp, tổ chức, bố trí lại những ngành nghề sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế cũng như nhu cầu sản phẩm của thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.
 

 “Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giúp nông dân hưởng thành quả xứng đáng với công sức lao động của mình. Làm được điều này, các ngành, địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thực hiện các giải pháp liên kết nông dân-doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị sản xuất-thụ hưởng… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về các chính sách của Trung ương, tỉnh về việc khuyến khích, hỗ trợ đặc thù ngành nông nghiệp để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế kịp thời nắm bắt, tiếp cận”.                                 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ.
Thay đổi tư duy

Để thực hiện mục tiêu trên, các địa phương xác định yếu tố then chốt chính là công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với từng đối tượng cây, con chủ lực, tiềm năng phát triển và nhất là nhu cầu thị trường để xác định các đối tượng ưu tiên phát triển. “Đây là thử thách lớn nhất, cũng là cơ hội lớn nhất khi thực hiện Đề án. Thế nên không còn cách nào khác là chính quyền và người dân phải thay đổi tư duy sản xuất. Đó là không chỉ làm ra sản phẩm đủ ăn, mà phải hướng đến việc xuất khẩu”, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ.
 
Huyện Trà Bồng hiện đã xác định hai loại cây trồng hứa hẹn giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu là quế và thanh long ruột đỏ. Bởi ngoài phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, quế và thanh long ruột đỏ còn có lợi thế rất lớn về đầu ra. Do đó, trong Đề án của mình, huyện Trà Bồng tập trung đầu tư mở rộng diện tích sản xuất quế và thanh long ruột đỏ theo hướng tập trung, hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trồng, thu mua và chế biến các sản phẩm từ quế.

Đối với huyện Minh Long, ngoài lúa, mì, keo thì huyện ưu tiên đầu tư phục hồi và mở rộng diện tích cây chè bản địa. Nếu như những năm qua, cây chè chỉ đứng “bên lề” cơ cấu cây trồng của huyện thì hiện giờ, nó được xác định là “đối tượng tiềm năng” vì đã và đang mang lại thu nhập cao, ổn định cho đồng bào Hrê. Vì thế, “cùng với việc khuyến khích bà con giữ, trồng mới chè, huyện cũng “trải thảm đỏ” mời các doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu mua, chế biến để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long Lê Minh Chí khẳng định.
Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cơ giới hóa sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cơ giới hóa sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.


Mạnh dạn đổi mới

Sản xuất nông nghiệp lâu nay gắn với điệp khúc “manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung”, còn sản phẩm nông sản thì được mùa mất giá, hoặc ngược lại. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này thì có nhiều, nhưng cốt lõi là do nông dân ít đất. Hiện giờ, hạn mức đất sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu) bình quân của mỗi hộ từ 3 – 4 sào (500 m2/sào), nông dân vì thế cũng khó có cơ hội để “đầu tư lớn, làm ăn lớn”. Giải quyết trở ngại trên, Đề án xác định mục tiêu phải “tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm hạn chế bờ vùng, bờ thửa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích”.

Trong năm 2015, phong trào DĐĐT đã được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện rầm rộ, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. “Trước kia người dân sợ DĐĐT sẽ mất bờ xôi ruộng mật nên bất hợp tác, việc thực hiện DĐĐT vì thế cũng rất khó khăn. Nhưng sau khi nhận thấy hiệu quả của DĐĐT, bà con lại hối thúc chính quyền xã đẩy nhanh tiến độ”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú (Mộ Đức) Nguyễn Giáp Thìn cho hay. Sự thay đổi nhận thức này đã góp phần tăng số diện tích DĐĐT của toàn tỉnh từ 185ha năm 2013-2014 lên 458ha trong năm 2015.  

Ngoài việc sắp xếp và quy hoạch vùng, đối tượng sản xuất, Đề án còn chú trọng giải quyết những vấn đề dân sinh. Trong đó tập trung bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn và thiên tai. Chủ trương này đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2020, phải hoàn thành bố trí tái định cư (TĐC) và ổn định chỗ ở cho hơn 11.300 hộ dân các vùng ảnh hưởng thiên tai. Với những thành quả bước đầu, Đề án hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại “luồng gió mới” cho ngành nông nghiệp cũng như nông dân trong giai đoạn tiếp theo.  
 

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.