Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...

02:05, 30/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là phát biểu của ông Trần Dương-Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Quảng Ngãi khi trao đổi về Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố vừa được phê duyệt. Những mục tiêu đặt ra; lĩnh vực được xem là mũi nhọn của ngành nông nghiệp; việc tăng hiệu quả sản xuất, mang lại thu nhập cao cho nông dân… trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đề cập khá chi tiết trong cuộc trao đổi này.

-P.V: Mục tiêu hướng đến trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP.Quảng Ngãi là gì, thưa ông?

Ông Trần Dương: Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi, TP.Quảng Ngãi đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu chính của đề án là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp; duy trì ổn định ngành trồng trọt, lâm nghiệp, giảm dần tỷ lệ lao động trong nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng năng suất lao động, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể của việc tái cơ cấu là:

Về thủy sản, khuyến khích ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất lớn trên 400 CV, giảm dần tàu có công suất nhỏ dưới 90 CV, khai thác vùng biển ven bờ; quy hoạch lại vùng nuôi tôm tại các xã ven biển.

Về chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi bò lai siêu thịt; chăn nuôi gia cầm-nhất là gà thả vườn, thả đồi theo hướng tập trung; ổn định đàn trâu, giảm dần quy mô đàn heo và tăng tỷ lệ heo hướng nạc trên 70% tổng đàn.

Về trồng trọt, giảm dần diện tích lúa sản xuất một vụ không ổn định, không chủ động nguồn nước, diện tích mía, mì; tăng diện tích cây rau, bắp, hoa, cỏ chăn nuôi có giá trị kinh tế cao hơn; xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa có năng suất, chất lượng cao, vùng rau chuyên canh theo tiêu chuẩn rau an toàn.

Về lâm nghiệp, tập trung phát triển các giống cây lâm nghiệp dài ngày, có chất lượng gỗ tốt, nhất là phát triển trồng cây xanh cảnh quan, góp phần tăng tỷ lệ che phủ trên toàn địa bàn thành phố.

-P.V: Quá trình tái cơ cấu, lĩnh vực nào được xem là mũi nhọn của ngành nông nghiệp thành phố ?

Ông Trần Dương: Có thể nói, thủy sản và chăn nuôi được xem là mũi nhọn của ngành nông nghiệp thành phố Quảng Ngãi.
Hiện nay, ngành khai thác thủy sản đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông lâm, ngư nghiệp của thành phố. Số lượng tàu, thuyền hiện có 2.161 chiếc, chiếm hơn 40% tổng số lượng tàu của toàn tỉnh. Sản lượng đánh bắt hằng năm trên 60 nghìn tấn. Vì vậy, định hướng đến năm 2020, trong cơ cấu tàu thuyền khai thác sẽ tăng các loại tàu có công suất từ 90CV trở lên để tập trung khai thác thủy sản xa bờ; phấn đấu đóng mới trên 100 tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới có công suất từ 400CV trở lên. Nâng tổng công suất tàu thuyền đánh bắt thủy sản của thành phố lên khoảng 550 nghìn CV và phấn đấu sản lượng đạt 80 nghìn tấn/năm; đồng thời khuyến khích ngư dân áp dụng tiến bộ công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá để đảm bảo chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển đàn bò siêu thịt, tạo thành các vùng chuyên canh siêu thịt kết hợp trồng cỏ chăn nuôi, trồng bắp. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò đạt khoảng 30 nghìn con; đưa tỷ lệ đàn bò lai Zêbu, siêu thịt lên trên 90%; đồng thời chú trọng lai tạo các giống bò có năng suất, chất lượng cao như bò siêu thịt ngoại, bò BBB...

-P.V: Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc quy hoạch vùng chuyên canh rau, củ, quả được định hướng như thế nào?

Ông Trần Dương: Tổng diện tích canh tác rau, củ, quả hằng năm của thành phố khoảng 980ha; sản lượng đạt khoảng 60 nghìn tấn/năm. Thành phố đang tập trung phát triển một số vùng rau chuyên canh có diện tích lớn tại các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Khê. Trong đó, việc triển khai Dự án “Xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Nghĩa Dũng, với diện tích trên 10ha theo quy trình khép kín từ sản xuất, sơ chế, đến tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới tại xã Nghĩa Hà, là một trong những giải pháp xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp theo mô hình “liên kết 4 nhà" nhằm nâng cao sản lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp của thành phố.

-P.V: Để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân và xây dựng nông thôn mới, thành phố đã đề ra những giải pháp gì trong tái cơ cấu ?

Ông Trần Dương: Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp chúng tôi đã đề ra và thực hiện 4 nhóm giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương thực hiện Đề án đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, trên địa bàn.

Hai là, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, khuyến nông trong sản xuất như thử nghiệm các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao; áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn dịch bệnh bảo vệ môi trường; công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá để đảm bảo chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học-kỹ thuật nông, lâm nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; chú trọng đào tạo chuyên ngành khai thác thủy sản, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho tàu khai thác hải sản xa bờ; triển khai thực hiện các đề án, dự án đào tạo lao động nông thôn.

Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo mô hình “liên kết 4 nhà" như tôi đã nêu ở phần trên.                          

THANH TOÀN
 (thực hiện)
 


.