(Baoquangngai.vn)- Từ chỗ phản ứng quyết liệt, thậm chí có người “hăm” viết đơn xin trả lại ruộng vì sợ xáo trộn, mất “bờ xôi ruộng mật”, thì nay người dân lại viết đơn xin được dồn điền đổi thửa (DĐĐT), vì những lợi ích thiết thực từ chính sách này mang lại cho nông dân.
TIN LIÊN QUAN
Đã qua cái thời thức trắng đêm "giành nước"
Về xã Bình Thới (Bình Sơn) những ngày này, tiếng máy xúc, máy ủi âm vang san ủi đồng ruộng, đắp bờ vùng, đắp mương thủy lợi để cải tạo đồng ruộng. Khắp các cánh đồng ở xóm 3 (thôn An Châu) và xóm 5 (thôn Giao Thủy) không còn tấc ruộng nào bỏ hoang.
Nhìn những hình ảnh ấy ít ai nghĩ rằng hai năm về trước, nơi đây đã từng xảy ra chuyện người dân phản đối kịch liệt chủ trương DĐĐT, có người “hăm” viết đơn xin trả lại ruộng. Người thì “buộc” chính quyền địa phương phải viết “cam đoan” bồi thường cho họ nếu sau khi DĐĐT năng suất sụt giảm.
Đi trên cánh đồng 64ha sau hai vụ gặt được chỉnh trang lại với hệ thống mương máng, bờ vùng, bờ thửa to rộng thẳng tắp, lão nông Võ Hoàng, ngụ ở thôn Giao Thủy nói vui: “Tôi vẫn còn ám ảnh chuyện thức trắng đêm giành nước. Nay chúng tôi làm ruộng sướng lắm rồi!”.
Cũng như bao người dân trong thôn, ông Hoàng là người hiểu rõ những lợi ích mà DĐĐT mang lại đối với công tác thủy lợi. Hệ thống mương máng được quy hoạch thông thoáng, đã khiến việc đồng án của người dân đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Việc DĐĐT và áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch đã giúp bà con nông dân giải phóng được sức lao động. |
Nếu như trước kia, những châruộng sâu phải đi xuyên qua vài chục thửa ruộng mới dẫn được nước về ruộng. Có khi bón phân buổi sáng, buổi chiều người khác tháo nước, phân bị cuốn trôi theo. Nay cứ 80m đường bờ thửa có một đường bờ vùng, hệ thống mương máng được quy hoạch theo bàn cờ, nên ruộng ai cũng có 2 ngõ để tháo nước vào và 1 ngõ để tháo nước ra.
“Trước đây nhà tôi có 6 thửa ruộng, mỗi thửa mỗi nơi. Cứ chạy qua, chạy lại giữa các đồng đã hết ngày lấy thời gian đâu mà chăm sóc cho chu đáo. Tới mùa gặt, hôm nay thì gánh máy suốt đến đám này, ngày kia gánh đến đám khác, nhớ đến cảnh đó mà thấy ngán. Giờ quy về một mối, máy gặt một mạch xong là chở lúa về”- ông Hoàng so sánh.
Chưa có bao giờ vui như hôm nay!
Cũng như xã Bình Thới, người dân xã Đức Phú (Mộ Đức) cũng đang hoan hỉ về thành công của DĐĐT. Ông Nguyễn Giáp Thìn- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú bảo: “Nói thật với cô, chưa có bao giờ chúng tôi vui như hôm nay! Không vui sao được khi không ít người dân từ phản ứng quyết liệt thì nay lại viết đơn xin được DĐĐT”.
Gần 105 ha đất lúa đã DĐĐT thành công, năng suất đạt tới 65 tạ/ha, tăng hơn 5 tạ/ha so với cùng vụ các năm trước. Đạt được những kết quả như trên là cả một chặng đường gian truân đối với cán bộ và nhân dân xã nhà.
Cả xã có khoảng 420 ha đất lúa, nhưng có đến 2/3 là ruộng bậc thang, đất bạc màu, canh tác manh mún, nhỏ lẻ. Nuôi ý định từ lâu, nhưng mãi đến vụ hè thu năm 2014, Đức Phú mới bắt đầu triển khai thí điểm trên diện tích 33,78 ha ở thôn Phước Thuận.
Ban đầu một số người dân không muốn có sự xáo trộn, nhất là người dân có vị trí ruộng “bờ xôi ruộng mật” ra sức phản đối, lãnh đạo địa phương phải trực tiếp họp dân cả chục lần mới tạm “êm xuôi”.
Đường bờ vùng đang được đắp trên cánh đồng thôn Giao Thủy, xã Bình Thới để chuẩn bị DĐĐT. |
Với phương châm tai nghe không bằng mắt thấy, xã tổ chức nhiều đoàn tham quan tại các địa phương đi trước, ghi nhận, giải thích những vấn đề người dân chưa thông. Từ chỗ, trung bình 1 gia đình có 4 thửa nhỏ, lẻ đã quy về 1 thửa rộng lớn, thuận lợi cho việc chăm sóc.
Ngồi trò chuyện trong căn nhà cấp bốn khang trang, lão nông Nguyễn Thành Tân, ngụ ở thôn Phước Thuận bảo: Nhờ có DĐĐT mà vợ chồng ông làm ruộng khá nhàn. Vụ vừa rồi rầy nâu phủ khắp nơi mà ruộng lão vẫn trúng đậm. Đất ở đây bạc màu, mỗi sào tới 8-9 bao lúa khô là thành công ngoài sức tưởng tượng.
Thể là, vợ chồng lão nông Nguyễn Thanh Tân có tới 9 người con, nhưng con cái lại người đi Nam, người đi Bắc nên cả mẫu ruộng cho mướn chục năm nay. Sau khi ĐDĐT, lão Tân mạnh dạn lấy ruộng lại canh tác. “Đường bờ vùng bờ thửa thênh thang, chạy xe máy một mạch là tới ruộng, làm đất có máy cày, gặt có máy liên hợp, tội gì không làm”- ông Tân phân bua.
DĐĐT thành công đã tạo ra bước ngoặt lớn đối với nông dân trong tổ chức sản xuất. Đồng ruộng thay đổi cũng khiến phương thức sản xuất của người nông dân tiến bộ. Từ năm ngoái, chiếc máy gặt đập liên hợp thi nhau về làng, đã giải phóng sức lao động cho nông dân mà giá dịch vụ rẻ hơn rất nhiều.
Theo nông dân, nếu trước giá máy gặt đập liên hợp các địa phương khác về làm có giá 250.000 đồng/sào thì nay chỉ còn 180.000-200.000 đồng/sào, chỉ cần 10 ngày là “trắng đồng”, đã hết cảnh tranh giành, người dân ngồi chờ máy gặt. Ai cũng chung một niềm vui khi canh tác nhẹ nhàng, có nhiều thời gian thăm nom đồng ruộng, kịp thời xử lý các dịch bệnh, canh tác hiệu quả và thu nhập cao hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc- Chủ tịch UBND xã Bình Thới, rào cản về nhận thức hạn hẹp của nông dân đã không còn, DĐĐT đã tạo “cú hích” mạnh mẽ cho xây dựng NTM. DĐĐT giờ đây là câu chuyện dường như đã trở nên quen thuộc với người dân.
Thấy được lợi ích của việc DĐĐT nên người dân ở 7/9 khu dân cư chưa được DĐĐT đồng loạt viết đơn xin được thực hiện. Nếu được hỗ trợ kinh phí, xã sẽ mạnh dạn triển khai không chỉ với diện tích lúa mà cả diện tích hoa màu để người dân được hưởng lợi.
Bài, ảnh: Ái Kiều