(Báo Quảng Ngãi)- Cứ sản phẩm nào được người tiêu dùng ưu chuộng, tiêu thụ mạnh thì ngay lập tức xuất hiện tình trạng làm giả để trục lợi. Lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ nền sản xuất cần có sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Chống hàng giả, hàng nhái trước hết là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, chống thất thoát thuế cho Nhà nước. Vì thế doanh nghiệp cần phải tham gia tích cực hơn nữa” – ông Trương Quang Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh khẳng định. Tuy nhiên, để dẹp bỏ tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường không phải dễ, mà cần phải có thời gian, có sự chung tay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua hàng hóa. |
Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện tình trạng tôn lợp nhà giả, tôn nhái đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ của thị trường tôn chính hãng. Sản phẩm hàng nhái, hàng giả có giá rẻ, hình dạng, mẫu mã tương tự hàng thật đã làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn khi chọn mua.
Ông Đinh Tấn Hòa, thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi mua 8 tấm tôn mang nhãn hiệu Hoa Sen về để lợp lại mái hiên tránh mưa, nắng và phát hiện chất lượng thua xa những tấm tôn Hoa Sen mua cách đó 6 tháng. Tôi chạy ra hỏi cửa hàng bán vật liệu xây dựng, chủ cửa hàng bảo tôn Hoa Sen có nhiều loại. Loại chính hãng giá cao hơn, còn hàng vừa bán cho tôi là hàng tương tự, nhưng giá rẻ. Tôi không đồng ý và xin đổi lại, bù tiền để mua tôn Hoa Sen chính hãng.
Các sản phẩm hóa mỹ phẩm có thương hiệu hiện nay cũng đang là hàng hóa bị làm giả nhiều nhất. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã được nhân viên của một số hãng hóa mỹ phẩm đem hàng nhái, hàng giả sản phẩm chính hãng của doanh nghiệp mình đến yêu cầu được bảo vệ.
Trong bảng danh sách hàng giả mà lực lượng chức năng thu giữ được thời gian qua cũng có khá nhiều mặt hàng là sản phẩm dầu nhờn nổi tiếng bị làm giả; quần áo có thương hiệu bị nhái, đóng nhãn mác, logo giả để đánh lừa người tiêu dùng.
Sự làm giả hàng hóa ngày càng tinh vi, thậm chí có quy mô lớn, khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Lực lượng có khả năng phát hiện hàng giả chính xác nhất, nhanh nhất vẫn là các doanh nghiệp chính hãng. Tuy nhiên, khi yêu cầu các doanh nghiệp chính hãng tố cáo tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm của mình thì cơ quan chức năng lại ít nhận được sự hợp tác. Nguyên nhân do các doanh nghiệp này sợ khi đưa các thông tin hàng hóa của doanh nghiệp mình bị làm nhái, làm giả dễ làm người tiêu dùng e dè không dám chọn mua sản phẩm của mình nữa.
Sự lo lắng này là có cơ sở. Vì trong khi chưa có nhiều thông tin, kiến thức giúp phân biệt hàng thật – hàng giả thì cách tốt nhất mà người tiêu dùng lựa chọn là chuyển sang mua sản phẩm cùng loại khác cho an toàn, không mua nhầm hàng giả!
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ra đời cách đây 6 năm với mục tiêu chính là bảo vệ sản xuất trong nước nhờ vào sự quan tâm mua sắm hàng trong nước từ người tiêu dùng. Vì thế, việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trước nạn hàng giả, hàng nhái trách nhiệm chính thuộc về cơ quan chức năng và chính những doanh nghiệp sản xuất trong nước.
“Trong khi người tiêu dùng không có thông tin đầy đủ để có thể tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, nếu không có sự tham gia của nhà sản xuất thì làm sao chống được hàng giả, hàng nhái hiệu quả” – ông Trương Quang Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trăn trở.
Bài, ảnh: THANH NHỊ