Gian nan "cuộc chiến" chống hàng lậu, hàng giả

09:06, 25/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều tháng qua, thị trường hàng hóa tại Quảng Ngãi không có nhiều biến động. Tuy nhiên, tình hình hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại vẫn có chiều hướng tiếp tục gia tăng.

TIN LIÊN QUAN

Gia tăng sự phức tạp

6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại Quảng Ngãi đạt khoảng 18.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng không đáng kể, bình quân 5 tháng đầu năm tăng khoảng 2% so với cùng kỳ 2014. Như vậy chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong sự kiểm soát, không có biến động lớn. Tuy nhiên xét theo góc độ kiểm soát khâu lưu thông hàng hóa cho thấy có sự biến động ở từng mặt hàng do nhu cầu tiêu dùng và đặc biệt do ảnh hưởng của tình trạng hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường tỉnh.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường tỉnh.


Tuy không nhiều nhưng một số mặt hàng do bị hàng lậu trà trộn vào thị trường dẫn đến sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sức tiêu thụ bị sụt giảm; đơn cử như đường RS. Mặc dù trong 6 tháng đầu năm  2015, trong đó có dịp cao điểm là Tết Nguyên đán nhưng tiêu thụ đường RS chỉ đạt 18.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2014. Tại chợ tạm TP. Quảng Ngãi các chủ quầy sạp đều chào bán hai loại đường: Đường nhà máy và đường không phải của nhà máy. Đường của các nhà máy có bao bì, nhãn mác, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Còn mặt hàng không phải của nhà máy được đựng trong những bao bì không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và giá bán theo kiểu “tùy cơ ứng biến”.

Cùng là đường RS nhưng đường nhà máy bán cao hơn loại đường “không phải của nhà máy” từ 2.000-3.000 đồng/kg. Các chủ quầy sạp lý giải về giá chênh lệch: “Đường không phải của nhà máy mua ở ngoài với giá rẻ nên bán rẻ”.

Các mặt hàng như phân bón, bia trong 6 tháng đầu năm sức tiêu thụ giảm đáng kể. Đây là hai mặt hàng lâu nay trong dư luận người tiêu dùng là “hàng giả gia tăng”. Thế nhưng các vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện xử lý không nhiều vì thủ đoạn làm giả rất tinh vi. Nông dân mua trúng phân bón giả về bón cho đồng ruộng thấy hoa màu không phát triển mới biết mình mua trúng phân giả. Người tiêu dùng bia sau khi uống phải bia giả gặp phải một số triệu chứng bất thường mới nghĩ là bia bị làm giả…

Ông Võ Minh Tâm-Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Thủ đoạn sản xuất hàng giả rất tinh vi, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt. Đối với hàng nhập lậu, các đối tượng buôn lậu thường liên kết thành đường dây từ khâu lấy hàng đến vận chuyển và chia nhỏ đưa vào thị trường tiêu thụ với thủ đoạn tinh vi, nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để không phải là dễ”.

Đừng để doanh nghiệp và người tiêu dùng đơn độc

Tình trạng đường lậu tràn vào thị trường đã được Hiệp hội Mía đường Việt Nam lên tiếng từ nhiều năm trước. Thế nhưng sự vào cuộc ngăn chặn của cơ quan chức năng dường như vẫn còn hạn chế, dẫn đến đường lậu vẫn cứ tuồn vào thị trường. Thậm chí lợi dụng cơ chế “tạm nhập-tái xuất” nhiều đối tượng buôn lậu đã biến đường lậu thành đường hợp pháp để đưa ra thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp ngành mía đường, trong đó có các nhà máy đường thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã lên tiếng yêu cầu được bảo vệ nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng.

Mặc dù các mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quần áo may sẵn, xăng, dầu, nhớt… bị làm giả khá nhiều trên thị trường nhưng các vụ việc bị phát hiện không nhiều. Mỗi năm lực lượng chống buôn lậu trên biển phát hiện được vài vụ việc buôn lậu dầu với số lượng không lớn; các đội quản lý thị trường trong tỉnh phát hiện vài vụ sản xuất nhớt xe máy giả, vận chuyển quần áo may sẵn không có chứng từ, hóa đơn hợp pháp. Gần đây, nhiều người tiêu dùng còn phản ánh mua phải tôn lợp nhà giả, giá bán theo tôn thương hiệu nhưng quy chuẩn, kích cỡ, độ bền rất kém...

Tại một số các cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tỉnh, lực lượng quản lý thị trường đã nêu ra các khó khăn như kho bãi chứa hàng lậu, hàng giả; phương tiện, con người phục vụ hoạt động… nhưng chưa được quan tâm tháo gỡ. Một khi các vấn đề này chưa được giải quyết thì công tác chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa thể đạt được như mong muốn. Theo đó, nhà sản xuất, doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu những thiệt thòi!

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.