(Báo Quảng Ngãi)- Tàu có 12 thuyền viên thì tất cả đều ở độ tuổi đôi mươi. Họ đang tiếp nối truyền thống đi biển của ông cha, can trường bám lấy vùng biển Hoàng Sa, đánh bắt phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó là tàu cá mang số hiệu QNg 96093 TS của thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh, ở huyện đảo Lý Sơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Làm thuyền trưởng khi mới 22 tuổi
Những ngư dân tàu cá mang số hiệu trên đã trải qua những tình cảnh không mấy vui. Lúc thì bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, cướp tài sản, khi thì tàu bị cháy... Và mới đây, tàu QNg 96093 TS bị tàu nước ngoài cố tình đâm va, sau đó lấy đi 3 tấn hải sản. Trở về trong cảnh trắng tay, nhưng không lâu sau đó, họ lại hùn vốn, trực chỉ ngư trường Hoàng Sa của Tổ quốc để đánh bắt. Thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh cho biết: “Đang vào vụ đánh bắt cá chính trong năm, nên sau khi sửa chữa lại tàu cá cho đảm bảo, mình đốc thúc anh em thuyền viên tức tốc vươn khơi đánh bắt. Biển giả mà, lúc không may thua lỗ là thường tình thôi”.
Những ngư dân trên tàu cá QNg 96093 TS. |
Năm nay tròn 31 tuổi, đã nhiều năm lăn lộn với sóng gió, thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh xem ngư trường Hoàng Sa là quê hương thứ hai của mình. Kể từ lúc gác bút nghiên theo cha đi biển, khoảng thời gian anh sống ngoài khơi còn nhiều hơn ở nhà. Trải lòng sau chuyến biển, anh Thạnh bộc bạch: “Ngày trước làm gì có tàu to máy lớn như bây giờ. Phải đi biển trên những chiếc ghe nhỏ tròng trành. Sóng to gió lớn không trụ được lâu. Ấy vậy mà ai cũng ham đi biển. Đi biển cực khổ lắm, nhưng người Lý Sơn đã quen rồi!. Đánh bắt ngoài khơi mang lại cho bà con cuộc sống khấm khá hơn”.
Nhiều người dân Lý Sơn nể phục anh Thạnh bởi đức tính cần cù, tự lực vươn lên từ nghèo khó. Năm 2006, sau nhiều năm can trường ở Hoàng Sa, Nguyễn Chí Thạnh khi ấy chỉ mới 22 tuổi, đã mạnh dạn đầu tư tiền sắm tàu cá công suất lớn, đảm nhiệm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, vững chãi vươn ra khơi xa đánh bắt, chinh phục khắp các ngư trường lớn của Tổ quốc ở Hoàng Sa.
Tâm tình của đội tàu trẻ
Ở Lý Sơn tàu cá QNg 96093 TS của 12 ngư dân, do thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh điều khiển có lẽ là con tàu khá đặc biệt. Tất cả họ đều còn rất trẻ, có tinh thần tự thân lập nghiệp, khát khao được thể hiện mình. “Quanh năm đi biển, chuyện yêu đương không tính đến à?”. Nhiều ngư dân trẻ cười khề khà khi chúng tôi hỏi vui như vậy. Nghe xong, ngư dân Lê Văn Tuấn ngụ xã An Hải dạn dĩ: “Gần cả năm quần quật ngoài biển, người yêu lấy đâu ra. Bây giờ hỏi tụi tui sợ gì nhất, thì chắc là sợ “ế” rồi. Nói vui vậy thôi, chứ mỗi lần ra biển là mọi âu lo về chuyện gia đình đều gác sang một bên. Bởi con tàu cũ đã bị cháy vào tháng 6.2014. Con tàu này cả 12 ngư dân hùn vốn lại mới mua được. Đã xác định ra khơi là phải dốc hết tâm sức mà làm việc”.
Tiếp lời, ngư dân Bùi Văn Chung ngụ xã An Hải bày tỏ: “Chuyện yêu đương không lo đâu, điều mà mọi người trăn trở nhất là ngư dân trẻ chọn nghề biển ngày một ít đi. Bởi nghề biển cực khổ, hiểm nguy luôn rình rập, mà chỉ có những người trẻ, khỏe mạnh thì mới đủ sức chinh phục, gìn giữ những ngư trường truyền thống của cha ông để lại. Theo tôi, để ngư dân trẻ gắn đời mình với nghiệp biển, thì ngoài những chính sách ưu đãi, Nhà nước cũng cần đầu tư thêm khâu hậu cần nghề cá. Nhất là trong khâu thu mua, chế biến hải sản. Lúc nào trúng phiên biển thì tụi tui đều bị thương lái ép giá dữ lắm! Họ gần như đã thao túng thị trường thủy sản ở đây rồi...”.
Ông Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) cho biết: “12 ngư dân trên là đoàn viên của Nghiệp đoàn. Ý thức chấp hành về pháp luật rất tốt. Tinh thần tự thân lập nghiệp của những người trẻ như vậy là điều rất đáng mừng. Họ chính là lớp thế hệ kế cận, tiếp nối truyền thống đi biển, giữ gìn vùng biển Hoàng Sa bao đời của cha ông”.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN