Ba Tơ: Đổi mới nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước

10:09, 16/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước cho vùng dân tộc và miền núi, trong nhiều năm qua Ba Tơ đã có điều kiện đầu tư xây dựng các công trình, triển khai mô hình, dự án trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.  

TIN LIÊN QUAN

Diện mạo khởi sắc

Trao đổi với cụ Phạm Văn Thăng ở thôn Ba Nhà, xã Ba Giang về cuộc sống của người dân Hrê hôm nay, cụ Thăng cho rằng: “Nhờ ơn Đảng và Nhà nước đã có những chính sách thiết thực giúp đồng bào nơi đây có được con đường, từng bước xóa bỏ các tập tục sản xuất lạc hậu, tiếp thu kỹ thuật mới vào canh tác… nên cuộc sống bà con mới dần khấm khá”.

 Trước đây, Ba Giang bị chia cắt bởi sông, suối. Đường về xã nhỏ hẹp, hiểm trở. Mỗi mùa mưa về, bà con như biệt lập với bên ngoài. Thế rồi, huyện đã tập trung các nguồn vốn cho đồng bào vùng cao đầu tư xây dựng đường bê tông nối liền Quốc lộ 24 đến trung tâm xã, xây dựng trường, trạm y tế để bà con đi lại, buôn bán trao đổi hàng hóa và đưa con trẻ đến trường, khám chữa bệnh dễ dàng hơn.

Đường về xã Ba Giang đã được bê tông.
Đường về xã Ba Giang đã được bê tông.


 Cũng nhờ các chính sách đầu tư cho miền núi, các xã Ba Dinh, Ba Động đã xây trạm y tế khang trang, tạo điều kiện cho việc khám chữa bệnh bước đầu cho người dân. Nhiều trường học, công trình thủy lợi kiên cố, hay nhà ở cho hộ nghèo trên huyện miền núi Ba Tơ đã và được xây dựng. Bước vào năm học mới này, những ngôi trường tranh tre nứa lá đã giảm dần. Những cánh đồng xưa kia bỏ hoang vì thiếu nước, nay đã xanh trở lại vì có công trình thủy lợi đưa nước về phục vụ sản xuất.

Ông Đinh Tấn Lạc - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Tơ cho biết: “Diện mạo Ba Tơ thay đổi cũng nhờ các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào miền núi. Chính sách đầu tiên có tác động mạnh mẽ đến đời sống và diện mạo vùng cao là Chương trình 135. Chương trình này đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất, tạo đà cho bà con miền núi nói chung và Ba Tơ nói riêng phát triển. Tiếp đó, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ định canh, định cư…đã giúp đồng bào vươn lên tự xóa nghèo và phát triển sản xuất, làm giàu”.

Nhờ nguồn đầu tư lớn

Từ năm 2009 đến năm 2014, thông qua các nguồn vốn Chương trình 30a đầu tư trên 167 tỷ đồng; nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II, Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135 giai đoạn III, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan, AiLen và Liên minh Châu Âu gần 106 tỷ đồng... Ba Tơ đã đầu tư xây dựng 77 công trình thuỷ lợi kiên cố và bán kiên cố; xây dựng 57 công trình nước sinh hoạt và hàng loạt công trình giao thông, trường học, trạm y tế...

Từ các công trình này đã giải quyết phần nào tình trạng thiếu nước sinh hoạt về mùa khô, chất lượng nước từng bước được đảm bảo, giao thông đi lại dễ dàng, giảm số trường lớp tranh tre nứa lá và tình trạng học 3 ca... Các công trình thủy lợi cũng đã góp phần nâng diện tích ruộng được tưới lên đến gần 2.100ha, đảm bảo yêu cầu cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 167 của Chính phủ, Ba Tơ đã được đầu tư trên 33,5 tỷ đồng xây dựng hoàn thành 2.190 nhà ở cho hộ nghèo, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân... Thông qua chương trình định canh, định cư, di dân xen ghép, Ba Tơ được hỗ trợ trên 17,3 tỷ đồng cho 145 hộ có chỗ ở ổn định.

Diện mạo Ba Tơ hôm nay khởi sắc một phần nhờ các chính sách dân tộc miền núi của Trung ương và tỉnh đầu tư... Tuy nhiên, hộ nghèo ở Ba Tơ hiện vẫn còn khá cao. Cuộc sống đồng bào vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư, song vẫn còn yếu và thiếu, thường xuyên bị thiên tai, bão lũ tàn phá... Trong thời gian đến, thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh hỗ trợ cho miền núi, Ba Tơ tiếp tục đầu tư trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, văn hoá, giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo... Trong đó, huyện tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào, nhằm giải quyết nguồn lao động địa phương...
           

Bài, ảnh: MAI HẠ    
 


.