Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Ba Tơ (30.10.1972-30.10.2014):
Vùng cao Ba Tơ phát huy truyền thống anh hùng

10:10, 30/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- 42 năm sau ngày giải phóng, vùng đất Ba Tơ anh hùng đã có nhiều đổi thay. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện là một bước tiến dài xuyên qua những năm tháng lịch sử.
Phát triển kinh tế từ mảnh đất quê hương
 
Cũng như nhiều hộ đồng bào khác, gia đình anh Phạm Văn Mật, ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh từng là hộ nghèo sau khi huyện Ba Tơ được giải phóng. Nhưng không cam chịu cảnh đói khổ đeo bám từ đời này sang đời khác, năm 2006, anh Mật đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện để tìm cách thoát nghèo.
 
Với quyết tâm xưa thắng giặc ngoại xâm, nay thắng giặc đói, nghèo, gia đình anh đã cần cù lao động, khai hoang trên đất quê hương. Từ số vốn vay lúc đầu, nay gia đình anh Mật đã trả hết nợ và sở hữu đàn trâu 6 con, 5ha keo, 4ha mây, mía. Thu nhập mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng.

 

Những cây trồng trên đất gò đồi ở Ba Tơ đã đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Mật
Những cây trồng trên đất gò đồi ở Ba Tơ đã đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Mật
 
“Có của ăn của để mà vẫn gắn bó với quê nhà là nguyện vọng của tôi. Cha và ông tôi đều đã hy sinh nhiều mới có sự tự do của ngày hôm nay. Bởi vậy tôi không muốn phụ lòng những người đi trước”- anh Mật bộc bạch về quyết tâm làm giàu của mình.
 
Đó cũng là suy nghĩ của anh Chế Minh Thái khi phát triển mô hình trồng rừng, nuôi cá và heo, bò. Với thu nhập hiện tại 100 triệu đồng/ năm, anh Thái chia sẻ: Ngày xưa cả vùng dân cư đều nghèo khó, tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh khổ. Nhưng nay với sự giúp đỡ của cán bộ huyện nhà trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà tôi có thể phát triển kinh tế trang trại ở vùng cao này.
 
Không riêng gia đình anh Mật, anh Thái, nhiều hộ dân khác ở vùng cao Ba Tơ đã tìm ra những cách thoát nghèo rất “ngoạn mục”. Họ không chọn cách ly hương, mà vẫn bám lấy mảnh đất Ba Tơ anh hùng để nâng cao đời sống kinh tế. “Ngày trước lúa không đủ ăn, quần áo không đủ mặc ấm. Nhưng giờ cuộc sống đổi khác rồi”- anh Chế Minh Thái khẳng định.
 
Phát huy nội lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
 
Huyện Ba Tơ với 84% dân số là đồng bào H’re. Thách thức trong việc giảm nghèo luôn là rào cản đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Nhưng với truyền thống anh hùng không chịu khuất phục trước khó khăn, huyện Ba Tơ đã tìm ra nhiều cách vượt qua rào cản.

 

Những năm qua, Ba Tơ đã chú tâm tìm cách xóa đói, giảm nghèo từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho người dân
Những năm qua, Ba Tơ đã chú tâm tìm cách xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho người dân
 
Cách đây 20 năm, năng suất lúa của Ba Tơ chỉ đạt 35 tạ/ ha thì đến nay con số này là trên 55 tạ/ha. Điều này đã thể hiện được sự thay đổi về tư duy canh tác, sản xuất của người nông dân. Nhiều năm qua, Ba Tơ không ngừng đưa các giống lúa mới vào sản xuất, thay đổi dần cách thức chăm sóc cây trồng thông qua các lớp tập huấn, cầm tay chỉ việc. Trước đây, việc trồng lúa của người dân phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên, còn bây giờ thì người dân đã chủ động trong việc canh tác.
 
Ba Tơ đã tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tập trung xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, gồm: trồng keo nguyên liệu, trồng mía và trồng mì. Các cây trồng này không chỉ khai thác, cải tạo được nhiều diện tích đất trồng, thích hợp với thổ nhưỡng mà còn phù hợp với trình độ canh tác của người dân.
 
Ông Nguyễn Quang Vinh- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ cho biết: Huyện hỗ trợ cho bà con nông dân trên địa bàn huyện bằng các chương trình mục tiêu Quốc gia. Những chương trình này góp phần vào việc đưa các giống mới vào địa bàn miền núi, kể cả giống cây trồng và vật nuôi.

 

Thị trấn Ba Tơ sau 42 năm giải phóng
Thị trấn Ba Tơ sau 42 năm giải phóng.
 
Đi đôi với công tác giảm nghèo, Ba Tơ cũng chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2008, huyện đã trải nhựa và bê tông hóa 15 tuyến đường chính của thị trấn. Đến nay, Ba Tơ đã đạt được 70% các tiêu chí và phấn đấu hoàn thành 30% các tiêu chí còn lại để đạt đô thị loại 5 vào năm 2015.
 
Ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Đến nay đối với quy hoạch thị trấn Ba Tơ, chúng tôi đang tập trung cho đường giao thông và các công trình dân sinh. Ngoài nguồn lực của nhà nước, mới đây Ba Tơ được hỗ trợ Chương trình an toàn khu thì đây cũng là nguồn hỗ trợ để chúng tôi đạt tiêu chí đô thị loại 5 vào năm 2015.
 
Phố núi Ba Tơ hôm nay đã thay “áo” với diện mạo mới giữa núi rừng trùng điệp. Thị trấn xinh đẹp với những chiếc cầu kiên cố, những con đường bằng phẳng trải dài tít tắp. Đó là kết quả chắt chiu dựng xây, phát triển của nhân dân và chính quyền huyện trong suốt 42 năm sau ngày giải phóng.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 

 


.