(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ che chắn, bảo vệ những dải đất ven biển cũng như bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách tự nhiên, mà rừng ngập mặn đã và đang giúp nhiều cư dân vùng ven biển có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Rừng cho cá tôm
Trong khi ở nhiều địa phương RNM ven biển dần biến mất thì ở xã Bình Phước (Bình Sơn) vẫn còn giữ được một diện tích lớn và chiếm trên 70% diện tích RNM của toàn tỉnh. Và cũng nhờ biết cách giữ rừng mà người dân đã hưởng nhiều nguồn lợi, nhất là lợi ích kinh tế từ rừng dừa nước với diện tích 88ha.
Rừng dừa nước ở xã Bình Phước đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân địa phương. Ảnh: HỒNG HOA |
Nói về lợi ích của rừng dừa nước, ông Phạm Ngọc Tích, thôn Phú Long 1 chia sẻ: “Tuy bây giờ con cá, con tôm không còn nhiều như trước nhưng trung bình mỗi đêm, một người dân ở đây cũng đánh bắt được hơn chục ký tôm, cá. Với giá từ 100 - 150 nghìn đồng/kg, mỗi người cũng kiếm được tiền triệu. Vào mùa mưa, con cá, con tôm xuôi về nhiều thì mỗi người dân có thể đánh bắt được 20 - 30 kg tôm”.
Còn đối với cụ ông Phạm Ngọc Thành (84 tuổi) thì rừng dừa nước đã gắn bó máu thịt với cuộc đời ông. Nhưng khi hỏi về tuổi của rừng dừa nước thì ông chỉ biết từ lúc sinh ra ông đã thấy rừng dừa phát triển xanh tốt rồi. Nhờ rừng dừa mà cuộc sống, kinh tế gia đình ông khấm khá hơn. Và cũng nhờ rừng dừa nước ấy mà ông nuôi được 8 người con trưởng thành. “Ở đây dễ sống lắm! Con cá, con tôm lúc nào cũng có. Nhờ đó mà đời sống gia đình tôi cũng được nâng lên. Ngay cả những đứa trẻ con trong thôn cũng có thể tranh thủ giờ nghỉ học để đi bắt ốc dừa. Chỉ cần mò mẫm dưới rừng dừa chừng vài tiếng đồng hồ là mỗi đứa cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng”.
Ông Nguyễn Thế Nhân – Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết: “Rừng dừa nước ở đây có nhiều cái lợi lắm! Bởi không như những loại cây ngập mặn khác, ngoài vai trò ngăn mặn, rừng dừa nước còn là nơi kiếm sống của người dân. Người dân không chỉ thu lợi từ việc bán lá dừa với vài ba chục triệu đồng/ha, mà con cá, con tôm sống dưới rừng dừa cũng là một nguồn lợi không nhỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình trạng đánh bắt bằng xung điện của người dân ở những vùng lân cận nên đã làm giảm đi nguồn lợi thủy sản ở RNM. Mặc dù địa phương đã tăng cường bảo vệ, nhưng các đối tượng vẫn lén lút đánh bắt”.
Tạo thêm việc làm cho người dân
Sau khi trồng gần một năm những rừng đước ở sông Đầm, xã Bình Thuận đã phát triển xanh tốt. |
Khôi phục RNM ở vùng ven biển Bình Thuận (Bình Sơn) không chỉ có tác dụng về lâu dài mà hiện tại đã tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương. Với cách làm là, những hộ dân nào có đất nằm trong dự án trồng RNM đều được các chủ đầu tư thuê trồng và chăm sóc hằng ngày. Anh Trần Khánh, thôn Tuyết Diêm 2 cho biết: “Từ khi có dự án RNM, tôi đã có thêm công ăn việc làm. Bởi ngoài việc nhận chăm sóc và bảo vệ RNM, tôi còn làm thêm được việc nhà. Như thế mỗi tháng tôi có thêm 3 triệu đồng nữa. Tuy số tiền này không lớn, nhưng cũng đủ trang trải trong tháng”. Không riêng anh Khánh, nhiều người khác cũng đã được hưởng lợi từ RNM như được thuê để đi hái trái đước về ươm giống, trồng dặm… Có những hộ nhờ trồng rừng mà kiếm hơn chục triệu đồng.
Mặc dù lợi ích từ RNM mang lại không hề nhỏ, nhưng vẫn còn một số người dân chỉ vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng. Theo anh Khánh, trước đây nhiều phụ nữ, người già thường ra khu vực sông Đầm để cào nghêu, bắt ốc. Thế nhưng, từ ngày lòng sông được phủ xanh đước nên đã thu hẹp phạm vi kiếm sống của họ. Do đó, có một số người vẫn đi cào nghêu trong rừng đước mới trồng khiến cho cây bị chết.
Bên cạnh đó, một số người thả trâu bò lội vô phá rừng mới trồng… Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của RNM. Vì vậy, để bảo vệ, khôi phục và phát triển RNM cần phải có sự hợp sức từ nhiều phía, trong đó ý thức của người dân sống quanh khu vực RNM là vô cùng quan trọng.
Bài, ảnh: HỒNG HOA