(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực như công nghiệp nặng, bánh kẹo, nước giải khát… tại Quảng Ngãi, nhiều DN may mặc mới đăng ký kinh doanh và DN cũ đầu tư mở rộng sản xuất đang làm "ấm lên" lĩnh vực công nghiệp nhẹ trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong tỉnh...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Doanh nghiệp may mặc tăng lên
Nếu như giai đoạn đầu của quá trình thu hút vốn đầu tư, ngoài sự hiện diện của các dự án lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Doosan Vina hay sự lớn mạnh của Công ty CP Đường Quảng Ngãi… thì một số doanh nghiệp trong tỉnh không để lại nhiều dấu ấn. Thế nhưng, với chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư của tỉnh, trong những năm qua các nhà đầu tư đã tìm đến Quảng Ngãi. Trong đó, có không ít doanh nghiệp chuyên về may mặc.
Công nhân làm việc tại Nhà máy May Vinatex Tư Nghĩa. |
Bên cạnh những đơn vị cũ như Công ty CP May 28 Quảng Ngãi; Công ty CP May Đông Thành, thì sự hiện diện của các doanh nghiệp chuyên về may mặc đầu tư vào Quảng Ngãi trong vài năm gần đây như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Thuyên Nguyên; Xí nghiệp May Vinatex Quảng Ngãi; Nhà máy May Dung Quất… tiếp tục ăn nên làm ra, tạo cho các nhà đầu tư có thêm niềm tin để tìm đến đầu tư tại Quảng Ngãi.
Sau chi nhánh nhà máy May Vinatex tại Khu Công nghiệp Tịnh Phong, Tập đoàn Dệt may Việt Nam mở thêm chi nhánh tại Cụm công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa). Và mới đây, UBND tỉnh đã cấp phép đầu tư Nhà máy May Vinatex Đức Phổ. Nhà máy May Vinatex Đức Phổ xây dựng tại Cụm công nghiệp Phổ Hòa, với quy mô 16 dây chuyền may để sản xuất áo Jacket và các sản phẩm từ vải dệt thoi với năng lực sản xuất khoảng 1,5 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến đến tháng 12.2015, Nhà máy sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.
Hầu hết các sản phẩm may mặc sản xuất tại Quảng Ngãi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan và Châu Âu. Đây là những thị trường khó tính. Tuy nhiên, với những “bài học” đã có trước đó và sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở khâu đầu ra nên các sản phẩm đều được người tiêu dùng chấp nhận. Ngoài ra, với xu thế hội nhập và chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập TPP, nên ngoài thị trường đã có, các doanh nghiệp đang hướng đến những thị trường khác tiềm năng không kém như Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí tìm đến Châu Phi xa xôi.
Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thuyên Nguyên, dù kinh tế có khó khăn nhưng ngành may mặc vẫn sống được, bởi nhu cầu khá lớn. Việc Công ty đầu tư mở rộng dây chuyền, nâng cao công nghệ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất là điều kiện tất yếu để vươn lên. Đặc biệt là đứng vững trên thị trường nội địa, ổn định thị trường truyền thống và vươn ra các thị trường mới mà thời gian qua công ty đã cất công tìm hiểu, thăm dò.
Tạo hàng chục nghìn việc làm mới
Sự hiện diện của hàng loạt doanh nghiệp may mặc trên đất Quảng Ngãi, đã tạo ra một cú huých cho sự phát triển công nghiệp nhẹ của tỉnh. Bên cạnh việc khẳng định vị trí, thương hiệu của mình, các doanh nghiệp may mặc đang là nơi tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người lao động. Đặc biệt là lao động nông thôn.
Với số vốn lên đến 140 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vinatex và Tổng Công ty May Nhà Bè đầu tư, một doanh nghiệp may mặc hàng đầu của Việt Nam ra đời tại Quảng Ngãi. Chỉ sau thời gian ngắn xây dựng, Nhà máy may Vinatex Tư Nghĩa đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Hay như Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuyên Nguyên tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Và với đà mở rộng hoạt động sản xuất, đơn vị này sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.
Theo ông Đỗ Hải, Giám đốc điều hành Công ty May Vinatex Tư Nghĩa, với phương châm “Công ty có lợi nhuận thì người lao động phải có thu nhập tốt” nên hoạt động sản xuất của Công ty luôn ổn định. Người lao động đến Công ty tìm việc ngày càng nhiều. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng Công ty đã tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động, chủ yếu là con em địa phương. Công ty luôn chủ động phối hợp với các xã trên địa bàn huyện Tư Nghĩa để tuyển dụng lao động.
Không chỉ tạo việc làm, mà sự hiện diện của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh, đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động rất lớn. Trong đó, hàng nghìn lao động có độ tuổi từ 18 đến 40 ở khu vực nông thôn, nếu như trước đây thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, thì nay các công ty may đã giúp họ có công việc và nguồn thu nhập ổn định.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC