(Báo Quảng Ngãi)- 6 năm trước, khi được nhận vào làm việc, các khuyến nông viên ấy có lương hưởng theo ngạch bậc trình độ, bằng cấp hẳn hoi. Nhưng sau đó bị cắt giảm, chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/tháng. Nhà xa cơ quan, dẫu có tiết kiệm đến mấy cũng không đủ đổ xăng. Đã vậy, nhiều tháng nay, đồng lương ít ỏi ấy lại bị “nợ” vì không còn nguồn để chi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lay lắt khuyến nông viên
Cuối ngày, khi những vạt nắng bắt đầu tắt dần sau ngọn núi, 9 khuyến nông viên đang hợp đồng lao động tại Trạm Khuyến nông Sơn Tây bắt đầu rời hồ nuôi cá tầm thử nghiệm ở Sơn Bua để lo bữa cơm chiều. Họ không về nhà ngay khi rời hồ như các cán bộ diện biên chế của Trạm, mà băng qua con suối Bua sang bên kia hái mấy nắm rau rừng về luộc ăn cơm tối. Dường như chiều nào cũng thế, cứ xong việc là họ lại ra bìa rừng hái rau, xuống suối bắt vài con ốc lo bữa cơm chiều.
3 trong số 9 khuyến nông viên hợp đồng chăm sóc hồ cá tầm tại Sơn Bua. |
Khuyến nông viên Đinh Văn Thường, người H'rê, quê ở xã Sơn Thành (Sơn Hà) lên Trạm Khuyến nông Sơn Tây công tác đã 6 năm bảo rằng: “Từ nhà mình lên đây công tác xa hơn 30 km. Mỗi tháng được trả 0,9 hệ số lương cơ bản, tức là tương đương 1 triệu đồng. Số tiền này chưa đủ đổ xăng, nên anh em phải tự cải thiện bữa ăn bằng cách đi hái rau rừng, bắt ốc suối, còn gạo thì chở ở nhà lên”. Hiện Thường đã có vợ và hai con. Vợ Thường hằng ngày phải đi làm thuê kiếm tiền lo cho các con. “Nhiều khi muốn mua cho con cái bánh, gói kẹo, cây bút, cuốn vở mà cũng chẳng có tiền” – Thường tâm sự.
Cách đây 6 năm (năm 2009), khi vừa tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, Đinh Văn Thường được huyện Sơn Tây nhận vào làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ). Thường được bố trí về công tác tại Trạm Khuyến nông, lương trả theo hệ số bằng cấp là 1,43. Nhưng sau đó việc trả lương không còn theo ngạch bậc nữa mà hạ xuống mức hỗ trợ theo chế độ của khuyến nông viên cơ sở là 0,9 hệ số lương cơ bản. Ngoài anh Thường ra còn có 8 khuyến nông viên khác được nhận cùng lúc vào làm việc tại Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây hiện cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.
Bỏ thì thương, vương thì… quá khổ!
Ông Trần Quý – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Tây khẳng định: “9 khuyến nông viên này rất say mê công việc, làm việc hiệu quả. Vài lần Trạm bảo anh em này lương ít quá, nghiên cứu xin việc ở nơi khác mà làm nhưng chẳng ai muốn bỏ việc cả. Mà nói thật, nếu họ mà nghỉ việc thì Trạm thiếu người trầm trọng, khó mà đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trên giao”. Thế nhưng, ông Quý cũng trăn trở với bao nhiêu nỗi khổ khi 9 cán bộ này ở lại làm việc…
Thứ nhất, thiệt thòi cho anh em khi có bằng cấp hẳn hoi, ngày đầu đi làm thì được trả lương theo quy định, được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), còn bây giờ làm việc theo chế độ HĐLĐ một năm, lương chỉ khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, BHYT, BHXH lại bị cắt hết. “Năm 2009 khi triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, UBND huyện Sơn Tây nhận 9 cán bộ này vào làm việc. Sau khi nhận, huyện xét thấy để anh em ở huyện sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn và huyện ký HĐLĐ một năm có đóng BHYT, BHXH.
Thế nhưng sau đó các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình 30a về khuyến nông viên cơ sở phải làm việc ở cấp xã, với mức hỗ trợ mỗi tháng 0,9 hệ số lương cơ bản. Thế nên Trạm đành phải chuyển các khuyến nông viên này sang, dẫn đến lương bị tụt giảm và các chế độ BHYT, BHXH bị cắt” – ông Trần Quý giải thích. Thứ hai, ông Quý bảo, vẫn biết ký HĐLĐ một năm mà không thực hiện chế độ BHYT, BHXH cho 9 khuyến nông viên là chưa đúng quy định, nhưng điều kiện khó quá biết làm sao được.
Mong có một cơ chế
Lương đã quá ít ỏi, nhưng 4 tháng nay Trạm Khuyến nông Sơn Tây còn nợ chưa trả lương cho 9 khuyến nông viên này. Ông Trần Quý giải thích: “Cho đến thời điểm này, Trạm chưa được cấp kinh phí để trả lương cho 9 khuyến nông viên. Trạm phải linh động tận dụng khoản kinh phí tiết kiệm được của Trạm là 36 triệu đồng để trả lương cho anh em được 4 tháng, từ tháng 1 – 4.2015. Từ đó đến nay chưa trả lương tiếp được là do Trạm không còn khoản kinh phí nào để giải quyết cả. Hơn nữa, Trạm cũng thực sự quá băn khoăn sợ lỡ Chương trình 30a bị cắt, khoản kinh phí cấp để trả lương bị cắt theo, thì lấy đâu kinh phí bù vào khoản 36 triệu đã chi”.
Khó khăn như thế nhưng 9 khuyến nông viên này vẫn cố gắng đeo bám công việc. “6 năm gắn bó, yêu nghề lắm rồi. Giờ bảo bỏ việc thì làm sao bỏ được. Cứ cố gắng, hy vọng UBND huyện và Trạm Khuyến nông sẽ có cách giúp đỡ” – anh Đinh Minh Hưng cho biết.
Ông Trần Quý – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Tây mong mỏi: “Dù chỉ 1 triệu đồng mỗi tháng, nhưng nếu có nguồn ổn định lâu dài để chi trả cho 9 khuyến nông viên thì Trạm cũng đỡ lo. Nếu việc này kéo dài thì chắc Trạm phải xin ý kiến không tiếp tục ký HĐLĐ với 9 khuyến nông viên này nữa. Khi điều này xảy ra thì quá thiệt thòi cho 9 khuyến nông viên, vì họ đã có thời gian gắn bó liên tục với khuyến nông đến 6 năm ròng…”.
Bài, ảnh: THANH NHỊ