(Báo Quảng Ngãi)- Chưa kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng đặc sản, cùng với đó là chèo kéo, “chặt chém” du khách… là thực tế đang diễn ra và làm xấu đi hình ảnh du lịch Lý Sơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Loạn giá cả, chất lượng
Khu vực cầu cảng Lý Sơn là nơi tập trung đông đúc các quầy hàng đặc sản như tỏi, hành, ốc, rong biển, cá, mực khô... Hàng hóa ở đây được bày bán đơn sơ, dưới lòng đường hoặc trước các khách sạn, nhưng luôn tấp nập khách ra vào, nhất là vào mùa cao điểm du lịch của huyện đảo. Có thể nói, chất lượng và mẫu mã hàng hóa tại các quầy hàng này khá giống nhau, nhưng giá cả lại “mỗi nơi mỗi khác”.
Một quầy hàng đặc sản tại cầu cảng Lý Sơn. |
Trong đó, sự chênh lệch rõ ràng nhất là ở mặt hàng tỏi mồ côi (hay còn gọi là tỏi một). Vì là dược liệu quý và số lượng thu hoạch rất ít (từ 1-2 kg/sào) nên tỏi một trở thành đặc sản độc đáo và quý giá của đất đảo. Nhiều du khách đến Lý Sơn không tiếc khi bỏ ra hàng triệu đồng để mua vài kilôgam tỏi một làm quà. Thế nhưng, chỉ cách nhau vài bước chân, giá của mặt hàng này đã có sự chênh lệch hàng trăm ngàn. Khi du khách thắc mắc về sự chênh lệch trên, chị Trần Thị Hồng- chủ quầy hàng đặc sản trước cổng chào Lý Sơn lý giải: “Vì là tỏi nhà trồng nên bán được giá rẻ. Ở đây bán 700ngàn đồng/kg chứ vào khách sạn bán mắc hơn mà không thiệt tỏi một”. Trong khi đó, tại quầy hàng trước khách sạn Đại Dương, người bán hàng khẳng định: “Tỏi này bán ít nhất 1 triệu/kg, vì chính gốc là tỏi một Lý Sơn”.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, hầu hết loại tỏi một đang bày bán tại các quầy hàng với giá dưới 1triệu đồng đều là tỏi ở các vùng miền khác hoặc là tỏi pha trộn. Đối với tỏi một chính gốc Lý Sơn, trừ thời điểm thu hoạch sau Tết, người dân bán ra với số ít, thì lượng tỏi còn lại thường được dự trữ trong nhà, đợi có giá cao mới bán. Nhiều du khách cho biết, để tránh “hàng giả”, họ đã nhờ xe ôm chở vào tận nhà dân hỏi mua tỏi, hành. Thế nhưng, những người xe ôm này cũng có sự “móc nối” với chủ nhà. Và những loại đặc sản được họ cung cấp với “mác” nhà trồng, thường có giá rất “đắt”, nhưng cũng không được đảm bảo về chất lượng.
Cần xây dựng chuỗi cửa hàng đặc sản
Không chỉ riêng mặt hàng tỏi một mà nhiều đặc sản khác của Lý Sơn như hành, cá, mực khô, hải sâm… đều không có sự kiểm soát về chất lượng và giá cả. Tình trạng này diễn ra ở khắp nơi, từ các quầy hàng lưu niệm ở cầu cảng Lý Sơn, các điểm tham quan, khách sạn… khiến du khách luôn phải băn khoăn khi chọn mua quà lưu niệm. Bên cạnh đó, thay vì chú trọng quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì một số chủ quầy hàng lại chèo kéo khách du lịch bằng việc “nói xấu” quầy hàng bên cạnh, gây ấn tượng không tốt trong lòng du khách.
Lý Sơn có quyền tự hào với sự phong phú và độc đáo về các mặt hàng đặc sản. Nhưng khi sản vật Lý Sơn còn “trôi nổi” ngay trên đất đảo, thì từ nhiều năm trước, tại các địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM... đã mở ra những cửa hàng đặc sản miền Trung, trong đó có đặc sản Lý Sơn rất được ưa chuộng.
Ông Cao Trí Dũng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch Vietnam Travel Mart, Giám đốc chuỗi Siêu thị đặc sản miền Trung tại Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi cam kết với nông dân Lý Sơn và hỗ trợ họ về vốn từ đầu vụ, sau đó đến tận nơi thu mua sản phẩm. Do đó sản phẩm tỏi, hành Lý Sơn của Siêu thị đặc sản miền Trung luôn đảm bảo về chất lượng và giá cả nên rất được lòng khách hàng”. Cũng theo ông Dũng, địa phương nên xúc tiến xây dựng chuỗi cửa hàng đặc sản Lý Sơn ở địa phương.
Bà Phạm Thị Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết thêm, huyện đang triển khai mô hình cánh đồng trồng hành, tỏi kiểu mẫu. Trong tương lai, sản phẩm từ các cánh đồng này sẽ được đưa vào những cửa hàng đặc sản do huyện quản lý và được niêm yết giá cụ thể để du khách yên tâm mua sắm. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tổ chức cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch tại các địa phương khác, nhằm khắc phục tình trạng “cạnh tranh kiểu nông dân”, gây ấn tượng không tốt với du khách về con người và mảnh đất Lý Sơn”.
Bài, ảnh: HÀ XUYÊN