Vay vốn cơ giới hóa nông nghiệp: Nông dân chưa mặn mà

05:07, 05/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những yếu tố quan trọng thực hiện dồn điền đổi thửa để tiến đến xây dựng nông thôn mới là cơ giới hóa trong nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Thế nhưng, gần 2 năm qua, nguồn vốn này nông dân vẫn không mặn mà.

TIN LIÊN QUAN

Con số dư nợ ở lĩnh vực cho vay mua sắm, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68 đến nay vẫn ở số 0. Ông Nguyễn Thiên Phiến – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi, cho biết: “Đến thời điểm này chỉ có một trường hợp đăng ký vay vốn để mua máy nhưng chưa giải ngân được”.

Trước đây, Chính phủ có Quyết định 63 nhằm hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân vay để mua thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ ba.

Đa số nông dân Quảng Ngãi vay vốn nông nghiệp đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, chưa tiếp cận được vốn vay theo Quyết định 68.
Đa số nông dân Quảng Ngãi vay vốn nông nghiệp đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, chưa tiếp cận được vốn vay theo Quyết định 68.


Thế nhưng, để được hưởng những chính sách ưu đãi đó, nông dân phải mua các loại máy có giá trị nội địa hóa không được thấp hơn 60%. Trong khi đó, nông dân lại “rất sợ máy nội” vì phụ tùng không chuẩn, khó sửa chữa. Quyết định 63 có những ràng buộc khá chặt chẽ về loại máy móc được hỗ trợ nên việc tiếp cận nguồn vốn chính sách này cả nông dân và doanh nghiệp đều khó vượt qua.  

Năm 2013, Quyết định 63 được điều chỉnh bằng Quyết định 68 nhằm mở rộng điều kiện cho vay hơn so với trước đó, trong đó không quy định tỷ lệ nội địa hóa máy móc. Theo đó, các loại máy, thiết bị được hỗ trợ vay mua không phân biệt sản xuất trong nước, hay nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng phải mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa; lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ.

Những quy định mở tại Quyết định 68 là điều kiện thuận lợi để cho nông dân, các tổ chức nông nghiệp vay vốn, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, sau gần 2 năm triển khai việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn hạn chế.

Qua tìm hiểu thực tế, được biết công tác tuyên truyền chính sách ưu đãi này chưa được thực hiện tốt. Nhiều hộ nông dân có nhu cầu vay vốn mua máy, thiết bị cho sản xuất đều vay theo các chương trình tín dụng thông thường của các ngân hàng thương mại. Họ chưa nắm bắt được thông tin về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp khi vay vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Ngọc Cầm, thôn 8 xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) cho biết: Nghe thông tin chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng muốn vay được vốn này phải mua máy móc trong nước tỷ lệ trên 60%. Sự ràng buộc này mình không dám vay, bởi máy móc nội địa nhanh hư hỏng, trong quá trình làm sợ ảnh hưởng đến mùa vụ. Gia đình đành vay mượn bà con và tích góp được ít tiền mua máy cày, máy tuốt lúa theo ý mình.

Điều ông Cầm trao đổi là những quy định ràng buộc từ Quyết định 63. Chứng tỏ Quyết định 68, nhiều nông dân và các tổ chức chưa nắm rõ. Theo ông Nguyễn Thiên Phiến– Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi thì, nguồn vốn cho nông nghiệp nông thôn khá dồi dào. Nhưng đã gần 2 năm qua, chưa có đối tượng nào được vay vốn theo Quyết định 68. Đặt vấn đề phải chăng đối tượng hưởng lợi chưa nắm rõ thông tin? Ông Phiến cho rằng, ngân hàng đã triển khai khá sớm, nhưng do những quy định ràng buộc về máy mới 100% dù trong nước hay nhập nước ngoài vẫn vậy. Qua tính toán đối tượng hưởng lợi thấy không có lợi nên không tiếp cận.

Để giải ngân vốn phục vụ cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành với các địa phương, tổ chức đoàn thể ở cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Quyết định số 68, đưa chính sách ưu đãi của Nhà nước đến với các đối tượng được thụ hưởng. Qua đó, giúp họ sớm tiếp cận nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất đầu tư mua máy, thiết bị nâng cao năng lực sản xuất, tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.