Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: Đến nhanh, bước chậm

10:07, 10/07/2013
.

(QNg)- Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 2.000 máy làm đất, 100 máy cắt xếp hàng lúa loại lớn, 50 máy gặt đập liên hợp và hàng chục nghìn máy tuốt lúa có gắn động cơ. Những con số trên cho thấy, sự có mặt của máy móc chỉ hỗ trợ cho người trồng lúa ở khâu làm đất (hơn 90%) và thu hoạch (40%); còn các công đoạn bón phân, cấy mạ, phun thuốc hay chế biến thì vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công.

 Cơ giới hóa: Hẹp và thiếu đồng bộ

Vài năm trở lại đây, việc tiếp cận và đưa cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh đã có những bước tiến nhanh, thể hiện qua sự có mặt của hàng loạt máy làm đất, máy tuốt lúa gắn động cơ, máy cắt xếp hàng đến máy gặt đập liên hợp loại lớn. Điều này không chỉ giải phóng một phần sức lao động của nông dân, tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất mà còn giảm thiểu rủi ro sau thu hoạch cũng như tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Theo lão nông Võ Công Loan ở KDC 12, thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức): “Cơ giới hóa tiết kiệm cho nông dân 3/4 thời gian làm đất và thu hoạch, 20% chi phí sản xuất; còn năng suất tăng 15%”.

 Hiệu quả là vậy nhưng thực tế việc CGH ở Quảng Ngãi vẫn còn khiêm tốn và thiếu đồng bộ. Vì ngoài CGH ở khâu làm đất và thu hoạch trên cây lúa; hoặc số ít mô hình được Nhà nước, doanh nghiệp trợ sức để CGH thì hiện giờ, hầu như sự ra đời và phát triển của các loại cây trồng khác vẫn phải trông chờ vào đôi bàn tay của nông dân. Đơn cử như mía - loại cây mang tính thương hiệu của tỉnh nhưng phần lớn diện tích còn sản xuất theo kiểu truyền thống. Thậm chí ở khu vực miền núi, không chỉ mía mà việc sản xuất lúa còn diễn ra theo kiểu “cấy tay gặt bộ”, hoặc “con trâu đi trước, người bước theo sau” khiến đất bị giảm độ phì, hiệu quả thấp.

Đâu là giải pháp

Theo ông Ngô Hữu Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh: “Dù vào đồng ruộng nhanh nhưng tiến độ áp dụng CGH rất chậm, CGH chỉ dừng lại ở một số khâu của vài loại cây trồng nhất định hay mô hình trình diễn nhỏ lẻ”. Lý do vì diện tích canh tác/đầu người quá ít (500-2.500 m2/hộ) lại phân tán nhỏ lẻ khiến bờ vùng, bờ thửa  dày đặc; hạ tầng sản xuất (thủy lợi, điện, giao thông) vừa thiếu vừa yếu. Đã thế, thu nhập từ đồng ruộng đã ít lại nhỏ giọt; trong khi chi phí mua sắm phương tiện lớn (300 triệu-1 tỷ đồng/máy) nhưng thời gian hoạt động của chúng chỉ được 20 - 45 ngày/năm, nên không hấp dẫn các đơn vị mạnh dạn đầu tư cho CGH.

Còn ông Võ Tấn Đại - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Dương (Bình Sơn) thì cho rằng, muốn CGH tiến nhanh, tiến mạnh nhất thiết phải tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Bởi dù máy móc, phương tiện đầy đủ; rồi người dân ủng hộ nhưng nếu ruộng cứ manh mún, nhỏ lẻ thì dù muốn, cũng khó áp dụng CGH. Ngay như hiện giờ, khiếm khuyết trên cũng khiến nông dân bị thiệt vì giá làm đất và thu hoạch vẫn còn cao so với mặt bằng chung. Lý do, vì ruộng nhỏ nên máy hao tốn nhiên liệu lúc hoạt động!  


Rõ ràng, dù sớm có mặt trên đồng ruộng với những lợi ích thiết thực, rõ nét nhưng CGH còn bị động, chưa tạo sự đột phá. Thế nên dù CGH là hướng phát triển tất yếu nhưng nếu những rào cản trên không sớm được tháo dỡ,  thì CGH sẽ vẫn chỉ được chắp vá từ những mảnh ghép rời rạc. Điều này làm cho hiệu quả sản xuất nông nghiệp khó đạt như mong muốn.
  

MỸ HOA
 


.